ĐĂNG NHẬP
7 công nghệ ‘xịn sò’ làm nên thương hiệu cho Ferrari 296 GTB

7 công nghệ ‘xịn sò’ làm nên thương hiệu cho Ferrari 296 GTB

Ferrari 296 GTB là mẫu xe thể hiện được đẳng cấp vượt trội của nhà sản xuất xe hơi Ý.

18 Tháng 03, 2022

Theo dòng xu hướng điện khí hóa, mẫu xe 296 GTB cũng đã được Ferrari trang bị hệ dẫn động hybrid gồm khối V6 tăng áp kép và một động cơ điện. Cùng với đó, “chú ngựa chồm” còn sở hữu hộp số ly hợp kép 8 cấp, truyền lực qua bộ vi sai điều khiển điện tử.

Mọi chuyển động của xe từ hệ thống lái, phanh, bộ giảm chấn đều được diễn ra dưới sự giám sát của dòng điện. Không dừng lại ở đó, siêu xe này vẫn còn hàng loạt công nghệ tân tiến khác lần đầu được ra mắt. Hãy cùng Otoman tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Công nghệ cảm biến khung gầm 6w-CDS

Hầu hết những chiếc xe hơi ngày nay đều được trang bị cảm biến lệch hướng (yaw-rate sensor) để duy trì sự cân bằng cho xe. Về cơ bản, đây là một con quay hồi chuyển đo gia tốc quanh trục thẳng đứng. Tuy nhiên trên mẫu xe 296 GTB, Ferrari đã phát triển bộ cảm biến cho 3 trục X, Y và Z (trong không gian ba chiều) với khả năng theo dõi vận tốc và gia tốc của xe khi chuyển động trên mọi mặt phẳng.

auto express

Công nghệ 6w-CDS là tên viết tắt của cảm biến khung gầm động 6 hướng (6 way Chassis Dynamic Sensor) và là “bộ não” trung tâm của 296 GTB. Bất kỳ hệ thống nào trên xe cũng đều phải “hỏi thăm” 6w-CDS trước khi vận hành. Quá trình này đảm bảo rằng kết quả đầu ra là phù hợp. Ngoài ra, cảm biến trên thanh răng (steering rack) kết hợp cùng kiểm soát trượt bên (Side Slip Control, SSC) và 6w-CDS có vai trò kiểm soát xe khi đạt đến giới hạn. Thậm chí, bộ 3 này còn có thể dự đoán được thời điểm xe đạt giới hạn của mình.

Ferrari đã tinh vi đến mức tạo ra một công nghệ mang tính dự đoán (predictive) nhiều hơn là phản ứng (reactive). Không chỉ dừng lại trên xe 4 bánh, công nghệ này còn có thể được ứng dụng vào các thiết bị đeo được (wearable) và kính thực tế ảo VR.

2. Công nghệ phanh ABS-Evo

Ferrari 296 GTB sở hữu một hệ thống phanh bằng dây (brake by wire, BBW) hoạt động hoàn toàn bằng điện tử. Các cảm biến giám sát những tác động của người lái lên bàn đạp phanh và gửi tín hiệu về cho ECU. Dựa vào đó, ECU tiến hành tính toán các thông số cần thiết và thực hiện phanh xe. Công nghệ BBW cho phép Ferrari trang bị lên 296 GTB một bàn đạp phanh cực ngắn.

ferrari

Hơn thế nữa, mỗi bánh xe có thể được phanh hoàn toàn độc lập. Khi người lái đánh lái và phanh cùng lúc, xe sẽ dồn lực phanh vào bánh trước bên ngoài cua, đồng thời giảm lực phanh ở bánh sau bên trong cua. Từ đó, khả năng phanh ở mỗi bánh được phát huy tối đa. Chưa hết, áp suất phanh cũng được thay đổi theo tỷ lệ để tạo ra sự cân bằng và giúp xe giảm tốc hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cầu sau xe còn được bố trí thêm phanh tái tạo giúp tăng hiệu suất dừng xe. Ferrari cho biết khoảng cách để phanh một chiếc 296 GTB từ vận tốc 200 km/h đã được giảm đi 8.8% so với F8 Tributo. Tuy hãng xe Ý không công bố số liệu cụ thể, khoảng cách này được cho là tương đương với 3 hoặc 4 lần chiều dài xe. Đồng thời, khi chiếc 296 GTB giảm tốc, xe sẽ không bị chúi mũi như thông thường. Thay vào đó, người lái sẽ có cảm giác như có thứ gì đó ghì chặt xe xuống mặt đường.

3. Bộ chia gió phía trước

Không chỉ ứng dụng công nghệ điện tử, Ferrari còn mang cả những tiện ích khí động học lên 296 GTB. Cụ thể, bên cạnh 2 cụm đèn trước là 2 cửa hút gió làm mát phanh trước. Được biết, thiết kế cửa hút này đã từng được McLaren tiên phong phát triển.

Một điểm nổi bật khác ở mặt trước của 296 GTB là khu vực bị cắt bỏ (cutout) của bộ chia gió. Chúng được thiết kế như vậy để đưa không khí xuống gầm xe, tạo ra một vùng áp suất cao ở khu vực trung tâm (so với vùng áp suất thấp đi vào gầm từ phía dưới). Khi các luồng khí gặp nhau, chúng cùng tạo xoáy lốc làm tăng tốc luồng khí. Lúc này, khoảng cắt của bộ chia gió lại hút vào nhiều không khí hơn và gián tiếp làm tăng lực downforce ở cầu trước.

4. Bộ lướt gió phía sau

Nối liền hai cụm đèn đuôi xe là một vạch tối. Đó chính là nơi cánh lướt gió phía sau của 296 GTB “ẩn náu” vô cùng gọn gàng. Khi được kích hoạt, cánh lướt gió được đẩy lên khỏi vạch tối này và ngay lập tức mang đến 100 kg lực downforce cho xe (trong điều kiện vận tốc tối thiểu đạt 249 km/h).

Với thiết kế này, cánh lướt gió sau của 296 GTB trông giống như một vạt gurney (gurney flap) trên máy bay. Người lái không trực tiếp điều khiển bộ phận này, và thậm chí cũng không nhận thức được rằng nó đang hoạt động. Không chỉ giúp duy trì độ bám cho phần đuôi xe (để phanh ổn định hơn), cánh lướt gió sau còn hỗ trợ quá trình tăng tốc vì tạo ra nhiều áp lực hơn lên các bánh xe.

ferrari

5. Cơ cấu Quản lý Chuyển tiếp (TMA)

Thực ra, Cơ cấu Quản lý Chuyển tiếp (Transition Manager Actuator, TMA) chẳng qua chỉ là cách gọi “rườm rà” cho một bộ ly hợp. Chức năng của bộ phận này là quản lý quá trình chuyển đổi giữa năng lượng điện và xăng. Cấu tạo của TMA gồm một ly hợp khô 3 đĩa, một mô-đun lệnh, một thanh liên kết điều khiển ly hợp và một số đơn vị điều khiển điện tử (ECU). Động cơ điện được đặt giữa khối V6 và hộp số, còn TMA thì nằm ở khoảng trống giữa hai động cơ này.

TMA có nhiệm vụ “pha trộn” 165 hp sức mạnh từ điện năng với 654 hp sức mạnh từ động cơ chạy xăng. Quá trình này được TMA thực hiện “nhuần nhuyễn” đến mức 2 động cơ gần như trở thành một. Nếu so sánh nhanh, cảm giác của người lái khi TMA chuyển đổi năng lượng đầu vào là “mượt” hơn tương đối nhiều so với công nghệ tương tự của Porsche 918 Spyder.

6. Công nghệ tăng áp

Có thể nói, bộ tăng áp của Ferrari 296 GTB thật sự là một “vị phù thủy”. Kể từ dòng SF90, Ferrari đã thu nhỏ các bộ tăng áp của mình để tăng tốc độ quay và khả năng phản hồi. Tuy là vậy, những bộ tăng áp này vẫn giúp xe đạt con số hiệu năng ấn tượng 219 hp trên 1L dung tích (219 hp/L). Nhờ đó, Ferrari đã tự hào tuyên bố rằng xe của hãng có công suất tuyệt đối (specific output) cao nhất trên thị trường.

motor1

Nên nhớ rằng, kể cả động cơ 2.0L tăng áp đơn của Mercedes-AMG trên chiếc A45 S cũng chỉ tạo ra mức 208 hp/L mà thôi. Chiếc xe duy nhất vượt qua được 296 GTB ở thông số này là Mitsubishi Lancer Evo X FQ-440 với 220 hp/L. Tuy nhiên, phiên bản đặc biệt này chỉ được sản xuất vỏn vẹn 40 chiếc và được dành riêng cho thị trường Anh.

Việc phát triển một khối động cơ mạnh mẽ bên trong một không gian hạn chế là không hề dễ dàng, nhất là khi các nhà sản xuất phải đảm bảo xe vận hành được dễ dàng. Để làm được điều này, Ferrari đã nâng áp suất buồng đốt, sử dụng nhiều hợp kim hơn, đồng thời tăng áp suất phun nhiên liệu lên con số 350 bar.

7. Ống xả âm thanh

Xuất hiện ở phần sau của xe là một đường ống nối dài, chạy ngược về gần khoang cabin. Mục đích của thiết kế này là đưa âm thanh của hệ thống xả tới gần hơn với tai người lái. Tất nhiên, đường ống này sau đó vẫn sẽ đi qua hệ thống xử lý khí thải. Do vậy, có thể coi đây là một tiếng ồn “hợp lý”.

Âm thanh của đường ống này có âm vực cao hơn và nhiều năng lượng hơn so với âm thanh “thô bạo” của F8 Tributo. Tuy có xen lẫn một chút âm thanh của cửa xả tăng áp (turbo wastegate) nhưng nhìn chung, âm thanh mà Ferrari 296 GTB phát ra vẫn mang đến cảm giác của một động cơ hút khí tự nhiên vô cùng mạnh mẽ.

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Công nghệ
GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
102
2
sergio pérez
79
3
charles leclerc
71
4
carlos sainz
65
5
lando norris
55
6
oscar piastri
36
7
george russell
32
8
fernando alonso
31
9
lewis hamilton
12
10
lance stroll
9
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.