ĐĂNG NHẬP
Mọi thứ bạn cần biết về động cơ LT2 trên Corvette C8

Mọi thứ bạn cần biết về động cơ LT2 trên Corvette C8

Dựa trên dòng LT1 tiền nhiệm, động cơ LT2 được GM phát triển ‘mạnh tay’ cho mẫu xe Corvette thế hệ C8, đặc biệt ở hệ thống phân phối khí và hệ thống bôi trơn.

08 Tháng 06, 2022

Bên cạnh những chiếc Corvette C8, làng xe thế giới cũng rất chuộng khối động cơ thân nhỏ (small-block) mới của GM. Với Corvette C7, mẫu xe này sử dụng động cơ LT1 cho các xe phiên bản cơ bản, động cơ LT4 cho các mẫu Z06 và LT5 cho các mẫu ZR1.

Tất cả động cơ được sử dụng cho thế hệ Corvette C7 đều là động cơ mạnh và có nhiều tiềm năng độ. Tuy nhiên, đây đều không phải là động cơ mà Chevorlet muốn “đặt giữa” trên chiếc Corvette C8. Chính vì lý do này, động cơ LT2 được ra đời.

Khối động cơ LT2 của GM, được trang bị trên Corvette C8. Ảnh: Wards Auto

1. Thông tin cơ bản của động cơ Chevrolet LT2

Việc bảo dưỡng xe có thiết kế động cơ đặt giữa là tương đối khó và tốn kém chi phí (do phải tháo rời động cơ). Do đó, khối động cơ LT2 của Corvette C8 đã được GM thiết kế sao cho việc bảo dưỡng trở nên thuận tiện hơn, đồng thời vẫn cải thiện sức mạnh so với động cơ LT1.

Về mặt tổng thể, động cơ LT2 có thiết kế khá tương đồng với LT1, tuy nhiên nó sở hữu một số thay đổi để có thể vận hành tốt trên xe với động cơ đặt giữa.

Dù được đặt giữa nhưng động cơ LT2 vẫn được GM thiết kế rất gọn gàng. Ảnh: LSX Magazine

2. Những điểm tương đồng và khác biệt với dòng động cơ LT1

Động cơ LT2 có cùng đường kính xi lanh (103.25 mm), hành trình piston (92 mm), tỷ lệ nén (11.5:1), trục khuỷu và thanh truyền rèn như động cơ LT1. Ngoài ra, cả hai khối động cơ đều có thiết kế xu páp trên đỉnh (overhead valve), thân máy và nắp máy làm từ nhôm cùng hệ thống van biến thiên (VVT).

Nhờ đầu góp xả mới, cổ góp nạp khí mới và trục cam hiệu suất cao, công suất tối đa của động cơ LT1 đạt được là 460 hp, trong khi LT2 đạt 495 hp. GM đã tiến hành tăng hiệu suất của đầu góp xả và cổ góp nạp trên động cơ LT2, vì vậy đây là hai bộ phận có sự khác biệt rõ rệt nhất. Một điểm khác giúp phân biệt hai dòng động cơ này nằm ở trục cam. Cụ thể, vấu cam xả của LT2 được GM thiết kế với mục đích tăng độ mở xu páp (valve lift) so với LT1.

Trục cam của động cơ LT2 với các vấu cam đặc biệt. Ảnh: Scoggin-Dickey Parts Center

3. Hệ thống bôi trơn của dòng động cơ LT2

Dân chơi xe Mỹ vẫn thường đánh giá tằng gia tốc ngang (lateral acceleration) khi vào cua của C8 Corvette lớn hơn các mẫu xe khác cùng có động cơ đặt giữa. Do vậy, GM đã rất chú trọng vào công tác bôi trơn bên trong khối động cơ LT2. Trước đó, Corvette C7 được trang bị gói Z51 không có hệ thống bôi trơn với cácte khô. Thế nhưng, GM lại lựa chọn sử dụng hệ thống này với động cơ LT2 trên Corvette C8.

Cụ thể, hệ thống bôi trơn của động cơ LT2 bắt nguồn từ một bơm dầu đến 3 bơm lọc dầu đa tầng (multi-stage scavenge pump). Hai trong 3 bơm này được đặt tại khoang trục khuỷu và tại giữa góc V. Cácte dầu được gắn liền với động cơ thay vì đặt tại khoang động cơ. Thiết kế này cũng khiến cho việc lắp ráp động cơ LT2 trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Lý do là bởi vì dầu có thể được thêm vào trong quá trình lắp ráp động cơ (thay vì được bổ sung khi xe đang trên dây truyền lắp ráp).

Ngoài ra, các bơm lọc dầu còn cho phép cácte dầu của động cơ LT2 nông hơn, từ đó giúp hạ vị trí động cơ xuống thấp hơn 25.4 mm (so với động cơ LT1). Với cácte dầu nhỏ hơn, động cơ LT2 sử dụng ít hơn LT1 khoảng 2.1 lít dầu. Ngoài ra, động cơ LT2 còn được trang bị bộ làm mát dầu bằng chất lỏng (liquid-to-liquid oil cooler), nhờ đó tăng khả năng hạ nhiệt của động cơ thêm 25%.

Đối với thế hệ động cơ tiền nhiệm, trong quá trình vận hành, dầu trên nắp máy của dòng LT1 nhỏ dần xuống phần thân máy. Điều này gây cản trở đôi chút đối với hoạt động của trục khuỷu. Trong khi đó, đối với động cơ LT2, bơm lọc dầu lại nằm ở góc chữ V (bên dưới cổ góp nạp), do đó có thể ngăn dầu từ nắp máy nhỏ xuống trục khuỷu.

Mô phỏng hệ thống bôi trơn trên động cơ LT2. Ảnh: Holley

4. Đầu góp xả và cổ góp nạp của động cơ LT2

Trọng lượng của động cơ không phải là mối bận tâm chính của Corvette C8. Các kỹ sư của GM có thể thiết kế cổ góp nạp cao hơn để động cơ nhận được nhiều không khí hơn khi vận hành.

Trong khi đó, đầu góp xả của động cơ LT2 khác biệt rõ rệt so với động cơ tiền nhiệm LT1. Cụ thể, các đầu góp xả của dòng LT2 có độ dài bằng nhau và có dạng thiết kế 4-1 (4 ống xả gộp chung làm 1), thay cho thiết kế 4-2-1 (4 ống xả gộp làm 2, rồi lại gộp làm 1) trên động cơ LT1. Ngoài ra, van xả của động cơ LT2 có thể giúp động cơ có âm thanh khác nhau, tùy thuộc vào chế độ lái. Tuy nhiên, điều này không hề làm ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ.

So sánh các đầu góp xả dạng 4-1 và 4-2-1. Ảnh: Corsa Performance, Offer Up

5. Tổng kết

Tóm lại, dựa trên LT1, động cơ LT2 đã được GM phát triển thêm để trang bị cho mẫu xe với động cơ đặt giữa – Corvette C8. Bên cạnh đó, công suất của máy được nâng lên nhờ những thay đổi trong công đoạn lưu thông khí nạp và xả, điển hình là đầu góp ống xả và cổ góp nạp. Như vậy, GM không cần sử dụng hệ thống nạp khí cưỡng bức.

Bạn đọc đánh giá như thế nào về dòng động cơ LT2 trên chiếc xe biểu tượng Corvette C8? Hãy để lại bình luận của mình bên dưới bài viết nhé!

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Góc nhìn xe
GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
77
2
sergio pérez
64
3
charles leclerc
59
4
carlos sainz
55
5
lando norris
37
6
oscar piastri
32
7
george russell
24
8
fernando alonso
24
9
lewis hamilton
10
10
lance stroll
9
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.