ĐĂNG NHẬP
Porsche khẳng định kế hoạch sản xuất Boxster và Cayman thuần điện

Porsche khẳng định kế hoạch sản xuất Boxster và Cayman thuần điện

Các mẫu xe thể thao thuần điện mới sẽ chia sẻ dây chuyền sản xuất với những người anh em sử dụng động cơ đốt trong.

30 Tháng 11, 2023

Phiên bản thuần điện kế nhiệm của hai mẫu Porsche 718 Boxster và Cayman, sẽ được sản xuất trên cùng dây chuyền với các phiên bản động cơ đốt trong truyền thống, kế hoạch ra mắt vào năm 2025. Nhà sản xuất xe thể thao đến từ Stuttgart vừa bắt đầu quá trình nâng cấp trị giá 280 triệu đô đối với nhà máy sản xuất chính tại Zuffenhausen, tập trung chủ yếu vào dây chuyền sản xuất hiện tại dành cho các mẫu 718 sử dụng động cơ boxer.

Dây chuyền sản xuất trên sẽ được biến thành “flexiline”, theo cách gọi của Porsche. Họ sẽ sử dụng các loại phương tiện tự động, cho phép hai thế hệ xe với hai hệ truyền động khác nhau có thể được lắp ráp cùng lúc.

Việc thế hệ 718 thuần điện sắp tới được sản xuất song song với phiên bản sử dụng xăng cho thấy mẫu xe này nhiều khả năng sẽ được giữ nguyên kích thước, phong cách thiết kế và triết lý. Tương tự cách Porsche làm đối với mẫu Macan mới, một phiên bản hoàn toàn khác so với người anh em sử dụng động cơ đốt trong.

Nguyên mẫu Porsche 718 Cayman và Boxster thế hệ mới đã được bắt gặp trong quá trình chạy thử, sử dụng nền tảng khung gầm thiết kế riêng dành cho xe thể thao thuần điện nhưng vẫn giữ lại những nét đặc trưng của xe động cơ đốt trong đặt giữa. Khung gầm này hoàn toàn có thể được trang bị trên một số mẫu Audi và Lamborghini trong tương lai.

Nền tảng khung gầm thuần điện mới hoàn toàn có thể được trang bị trên các mẫu Audi và Lamborghini trong tương lai. Ảnh: Autocar

Một số nguồn tin khẳng định Porsche có ý định phát triển dòng 718 thế hệ kế tiếp thành một mẫu xe trang bị duy nhất hệ dẫn động điện, và sẽ bắt đầu mở bán từ giữa thập niên. Mẫu xe hai chỗ này sẽ là dòng xe thuần điện thứ ba trong đội hình của Porsche, nối tiếp Taycan và Macan EV. Mẫu Cayenne thuần điện được cho là sẽ ra mắt vào năm 2026.

Những hình ảnh về mẫu Boxster 718 thuần điện cho thấy cái nhìn rõ ràng hơn về thế hệ “983” của dòng xe này. Tuy mới chỉ là nguyên mẫu, phong cách thiết kế dường như đã sẵn sàng để đi vào sản xuất – ít nhất là đằng trước và sau của xe.

Dù những tấm hình chụp không cho thấy bằng chứng rõ ràng nào về hệ dẫn động không phát thải, những phóng viên của Autocar cho biết phần chụp ống xả chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng, phần đền trước và dải đèn hậu của xe mang thiết kế tương đồng với Porsche Taycan và mẫu Macan EV sắp ra mắt. Tuy vậy, Porsche chưa đưa ra bình luận về những thông tin trên.

Mẫu concept Mission R từng ra mắt của Porsche giống như một bản xem trước về kế hoạch phát triển xe thể thao thuần điện của hãng, và thiết kế đèn trên nguyên mẫu hiện tại có những nét tương đồng nhất định với concept đó, nhưng vóc dáng nhìn ngang của xe lại gần giống Boxster, mẫu xe được mở bán từ 2016. Hãng xe thể thao nước Đức đặt mục tiêu xe thuần điện chiếm 50% tổng doanh số toàn cầu của hãng vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Thiết kế hệ thống đèn có nhiều nét tương đồng với Porsche Taycan và Macan EV. Ảnh: Autocar

Sử dụng cách bố trí pin mới mang tên gọi “e-core”, mẫu xe thể thao thuần điện “giá mềm” của Porsche sẽ mang đến vị trí ngồi và trọng tâm thấp nhất có thể, tương đương với phiên bản tiền nhiệm rất được ưa chuộng.

Porsche thừa nhận concept Mission R phản chiếu khối lượng công việc đang được thực hiện trong studio thiết kế của hãng với các mẫu xe thuần điện trong tương lai, cho thấy những dấu hiệu về việc một số yếu tố nhất định trong thiết kế sẽ xuất hiện trên các mẫu xe khi đi vào sản xuất chính thức. Thêm vào đó, mẫu xe mới cũng có thông số kích thước gần như tương đồng với 718 Cayman/Boxster hiện tại.

Trên concept Mission R, Porsche đã sử dụng phiên bản khung gầm làm lại của 718 Cayman, nhưng khi được hỏi về một phiên bản sản xuất chính thức tiềm năng trong buổi lễ giới thiệu, Giám đốc Oliver Blume cho biết: “Khi điện hóa một mẫu xe, chúng tôi sẽ không lấy nguyên nền tảng khung gầm của dòng xe động cơ đốt trong, bởi khi vậy sẽ có quá nhiều sự đánh đổi và thỏa hiệp.”

“Khi nhìn vào những mẫu xe thể thao trong tương lai, chúng tôi sẽ phát triển nền tảng riêng nhưng có sự kết nối nhất định với những module từ các dòng xe khác. Dù vậy, nền tảng khung gầm phải là độc nhất.” Concept Mission R được thiết kế để tái tạo dòng xe thể thao động cơ đặt giữa nhờ việc đặt gói pin – yếu tố lớn nhất trong tổng trọng lượng của xe - ở đằng sau người lái nhưng phía trước của trục sau, vị trí vốn dành cho động cơ.

Porsche Mission R được thiết kế để tái tạo lại dòng xe thể thao động cơ đặt giữa. Ảnh: Autocar

Ông Michael Steiner, Giám đốc Kỹ thuật của Porsche chia sẻ rằng, quyết định sử dụng cách bố trí đặc biệt này đến từ mong muốn tạo ra mẫu xe thấp nhất có thể và qua đó giảm lực cản. Tuy nhiên, cách tiếp cận đó tạo ra rào cản với khung cầm dạng “ván trượt” truyền thống của xe điện với gói pin thiết kế đặt dưới sàn xe.

Kiểu bố trí này được sử dụng trên nền tảng khung gầm J1 chia sẻ giữa Porsche và Audi trang bị trên mẫu Taycan hiện tại và nền tảng PPE sắp được ra mắt. “Đối với một mẫu xe thể thao hai cửa, thiết kế thường sẽ rất thấp bởi nếu muốn giảm lực cản, chúng ta cần vóc dáng thấp và bằng phẳng nhất có thể. Để đạt được điều đó, chúng ta cần đặt vị trí ngồi lái thấp, đồng nghĩa với việc sẽ không có không gian để đặt pin phía bên dưới người lái.”

“Đó cũng chính là lí do mà nhiều mẫu siêu xe và xe thể thao ngày nay sử dụng thiết kế động cơ đặt giữa, nằm ở phía sau người lái. Với công nghệ cell pin hiện tại, gói pin chính là chi tiết nặng và kích thước lớn nhất trên xe – và điều này có thể vẫn sẽ tiếp tục trong thập kỉ tới. Vì vậy, chúng tôi đã phát triển thiết kế được gọi là “e-core”. Xét trên góc độ lắp ráp và bố trí trọng tâm, thiết kế này gần như là một bản sao của động cơ đặt giữa.”

Vóc dáng động cơ đặt giữa sẽ được giữ lại nhờ việc sắp xếp pin đằng sau ghế ngồi. Ảnh: Autocar

Ông Steiner còn cho biết, thiết kế này cũng hỗ trợ phân bổ khối lượng và sự cân bằng. Đặc biệt là với hệ dẫn động sử dụng hai động cơ điện trên concept Mission R – với một động cơ tại mỗi trục – với thiên hướng dẫn động trục sau.

Dù mẫu concept Mission R sử dụng nền tảng khung gầm được thiết kế lại, ông Steiner nhắc lại lời của Tổng Giám đốc Blume bằng cách loại bỏ ý tưởng về việc áp dụng kiến trúc tương tự đối với các mẫu xe sản xuất chính thức. “Không có nền tảng khung gầm nào không cần thay đổi trong quá trình điện hóa, nhưng nền tảng duy nhất của hãng mà không cần thay đổi quá nhiều chính là xe động cơ đặt giữa, chẳng hạn như Boxster và Cayman.”

“Mười năm trước, chúng tôi bắt đầu thực hiện những nguyên mẫu điện hóa với bố trí đặt giữa bởi khoảng trống giữa động cơ và bộ truyền động có thể được dành cho khối pin. Tuy nhiên, trong nội bộ hãng, chúng tôi đã quyết định, bắt đầu từ mẫu Taycan, rằng hãng sẽ không sử dụng thiết kế theo kiểu chuyển đổi, đáp ứng cả động cơ đốt trong, plug-in hybrid hay thuần điện. Bởi điều đó luôn yêu cầu những thỏa hiệp và đánh đổi về trọng lượng, bố trí và các thông số khác.”

“Vì vậy, ngay cả với dòng xe động cơ đặt giữa, chúng tôi vẫn cảm thấy nên thiết kế một nền tảng thuần điện. Điều này có thể sẽ thay đổi, tuy nhiên không phải trong tương lai gần.”

Kể từ mẫu Taycan, Porsche đã quyết định sẽ không sử dụng kiểu thiết kế theo kiểu chuyển đổi. Ảnh: Autocar

Ông Steiner cho biết Porsche đã nghiên cứu về thiết kế pin “đặt giữa” trước khi thử mô phỏng lại những khối động cơ đặt sau như trên 911. Bởi với công nghệ pin hiện nay, hãng muốn để gói pin nằm trong khu vực trung tâm của kết cấu chịu lực vì những lí do an toàn.

Ông cho biết nền tảng này còn có thể được sử dụng cho những mẫu xe hiệu năng cao hơn trong tương lai, có thể đến từ những thương hiệu cùng tập đoàn như Audi hay Lamborghini, và những mẫu concept như Mission R có thể được phát triển với cách bố trí “theo khuynh hướng của siêu xe thể thao”.

“Điều này không chỉ đến từ lý do công nghệ. Thông thường, định hướng phát triển sẽ đến từ dự đoán của chúng tôi về mong muốn của thị trường.” Khi được hỏi rằng liệu khách hàng có chấp nhận một mẫu xe thuần điện của Porsche tương đồng về hiệu năng với 718 Cayman không, ông Steiner cho biết: “Tôi nghĩ là có, nhưng chúng ta cần phải “giảm cân” cho xe.”

“Nếu bạn cầm lái và trải nghiệm một mẫu xe thể thao trên đường đua, bạn sẽ cảm nhận rõ ảnh hưởng của khối lượng. Điều này có thể không đúng nếu chỉ chạy trên cao tốc, nhưng một mẫu xe thể thao thực thụ cần phải vận hành tốt trên đường đua.”

Một mẫu xe thể thao thực thụ cần phải vận hành tốt trên đường đua. Ảnh: Autocar

Tập đoàn Volkswagen hiện đang phát triển nền tảng khung gầm SSP, trên thực tế là sự kết hợp giữa kiến trúc MEB phát triển bởi Volkswagen và PPE của Audi/Porsche. Nền tảng này sử dụng kết cấu khung gầm dạng “ván trượt” với pin đặt dưới sàn xe.

Thêm vào đó, tập đoàn cũng đang nghiên cứu phát triển một loại cell pin thống nhất, có thể được sử dụng cho hơn 80% các dòng xe mà tập đoàn này sản xuất. Tuy nhiên, điều này vẫn để lại khoảng trống lớn đối với các mẫu xe sử dụng thiết kế pin khác, từ đó dẫn tới nhu cầu sử dụng cách bố trí “động cơ đặt giữa” cho nền tảng mới này.

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Doanh nghiệp
GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
102
2
sergio pérez
79
3
charles leclerc
71
4
carlos sainz
65
5
lando norris
55
6
oscar piastri
36
7
george russell
32
8
fernando alonso
31
9
lewis hamilton
12
10
lance stroll
9
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.