ĐĂNG NHẬP
Lịch sử hình thành và quá trình phát triển của đội đua McLaren F1

Lịch sử hình thành và quá trình phát triển của đội đua McLaren F1

Sau khi được thành lập vào năm 1963, đội đua McLaren F1 đã trải qua nhiều thăng trầm để trở thành đội giàu thành tích bậc nhất Anh Quốc với 12 chức vô địch.

12 Tháng 07, 2022

Gia nhập F1 từ năm 1966, cho tới nay, McLaren là đội đua có bề dày lịch sử thứ hai tại giải đua (sau Ferrari). Tính đến hiện tại, McLaren đã có được 183 chiến thắng chặng, 12 danh hiệu vô địch thế giới tay đua và 8 chức vô địch đội đua.

Mời bạn đọc cùng Otoman tìm hiểu về lịch sử hình thành và quá trình phát triển của đội đua xứ Woking, Anh trong bài viết dưới đây.

1. Những ngày đầu thành lập (1966 - 1967)

Bruce McLaren Motor Racing được thành lập vào năm 1963 bởi Bruce McLaren – một tay đua người New Zealand thi đấu cho đội đua Cooper ở F1. Ông đã giành được 3 chiến thắng chặng và ngôi á quân năm 1960. Với mong muốn được thi đấu ở giải Australian Tasman Series, Bruce đã tiếp cận chủ sở hữu của đội.

Tuy nhiên, khi ông chủ Charles Cooper nhất quyết sử dụng động cơ F1 1.5L để tham gia giải (thay vì động cơ 2.5L được cho phép theo quy định của Tasman), Bruce đã quyết định thành lập đội riêng để ông và người đồng đội Timmy Mayer được tham gia giải.

Đội đua của Bruce McLaren ra mắt làng đua F1 tại Monaco năm 1966, tuy cuộc đua của Bruce đã kết thúc chỉ sau 9 lap do sự cố rò rỉ nhiên liệu. Chiếc xe năm đó của McLaren là chiếc M2B được thiết kế bởi Robin Herd, nhưng sự lựa chọn động cơ không tốt đã ảnh hưởng đến thành tích chung của đội.

Cụ thể, năm đó McLaren dùng hai động cơ: một phiên bản 3.0L của động cơ mà Ford sử dụng tại Indianapolis 500, và động cơ V8 Serenissima. Mặc dù chiếc xe sau đó đã ghi điểm đầu tiên cho đội ở GP Anh, cả hai khối máy này đều kém sức mạnh và không bền bỉ.

Chiếc M2B đánh dấu màn ra mắt của McLaren với làng đua F1 thế giới vào năm 1966. Ảnh: The Guardian

Năm 1967, Bruce quyết định sử dụng động cơ V12 của British Racing Motors (BRM), nhưng do sự chậm trễ trong việc bàn giao, đội ban đầu đã buộc phải sử dụng một chiếc xe F2 (đã được sửa đổi) có tên M4B, với trang bị động cơ 2.1L V8 BRM.

Về sau, McLaren chế tạo một chiếc xe tương tự có tên M5A, dùng động cơ V12. Dù vậy, cả hai chiếc xe này đều không mang lại thành công quá lớn, khi kết quả tốt nhất chỉ là về thứ tư tại Monaco.

2. Giai đoạn cùng động cơ Ford Cosworth DFV (1968 - 1983)

Vào năm 1968, sau khi là tay đua duy nhất của McLaren trong 2 năm, Bruce giờ đây đã có người đồng đội mới – nhà vô địch năm 1967 và là người đồng hương Denny Hulme. Chiếc xe M7A mới của năm đó được vận hành bởi động cơ DFV của Cosworth, loại động cơ mà sau này đã trở nên rất phổ biết trong suốt thập niên 1970.

Trong suốt 15 mùa giải cùng khối động cơ huyền thoại này, McLaren đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Ngay trong mùa giải đầu tiên với động cơ DFV, Bruce McLaren có chiến thắng đầu tiên ở đường đua danh tiếng Spa-Francorchamps, trước khi Denny Hulme có thêm 2 lần về nhất nữa ở Ý và Canada, qua đó góp phần tạo nên ngôi vị á quân của đội (và của chính Bruce) trên cả hai bảng xếp hạng.

Nhưng thật không may, người sáng lập Bruce McLaren đã tử nạn trong một buổi thử nghiệm xe ở đường đua Goodwood (Anh).

Báo chí đưa tin Bruce McLaren tử nạn tại Goodwood. Ảnh: McLaren

Thời kỳ đỉnh cao của McLaren tại F1 trong giai đoạn này là chức vô địch kép của Emerson Fittipaldi cùng đội năm 1974 và của James Hunt năm 1976 (sau khi để cho Niki Lauda dẫn trước tới gần 40 điểm). Tuy nhiên, kể từ năm 1978 – khi động cơ tăng áp với sức mạnh lớn hơn ra đời, động cơ Cosworth DFV dần trở nên lỗi thời.

Điều này cộng hưởng với thiết kế xe đua có “hiệu ứng mặt đất” (ground effect) khiến cho McLaren không thể thắng bất kỳ một cuộc đua nào cho tới giữa năm 1981, khi doanh nhân Ron Dennis bắt đầu đầu tư vào đội.

Tay đua James Hunt bên trong chiếc McLaren vô địch mùa giải 1976. Ảnh: James Hunt

3. Thống trị F1 cùng TAG Porsche và Honda (1983 - 1992)

Dưới những khoản tiền do Ron Dennis “rót” vào, kết quả của đội cũng dần được cải thiện. Tuy nhiên, khi mà các đối thủ sừng sỏ như Renault, Ferrari hay Brabham đều đã sử dụng động cơ tăng áp 1.5 lít (vốn hiệu quả hơn động cơ hút khí tự nhiên 3.0 lít truyền thống), việc trang bị một động cơ tối tân hơn là điều cấp bách.

Và thế là Ron đã thuyết phục tập đoàn Techniques d'Avant Garde (TAG – tiền thân của tập đoàn sản xuất đồng hồ nổi tiếng TAG Heuer hiện nay) tài trợ vốn cho Porsche xây dựng khối động cơ tăng áp mới, mang tên của TAG. Động cơ này được ra mắt trên chiếc MP4/1E trong phần cuối của mùa giải 1983.

Hiệu quả của bộ động cơ mới đến gần như tức thì. Năm 1984, McLaren TAG cũng bộ đôi Alain Prost và Niki Lauda giành tới 12 chiến thắng chặng, sau đó giành luôn chức vô địch đội đua năm đó khi ghi được nhiều điểm hơn tới 2.5 lần so với đội xếp sau là Ferrari. Lauda cũng vượt qua Prost với chỉ nửa điểm để đăng quang lần thứ 3 với khoảng cách nhất nhì thấp nhất trong lịch sử.

Bộ đôi Alain Prost và Niki Lauda giúp cho McLaren thống trị F1 cùng 12 chiến thắng trong năm 1984. Ảnh: The Guardian

Alain Prost tiếp tục gồng gánh McLaren trong hai mùa giải 1985, 1986 với 2 chức vô địch cá nhân nữa. Năm 1988, đội đua chuyển sang dùng động cơ Honda và chào đón sự xuất hiện của Ayrton Senna. Chiếc MP4/4 trở thành chiếc xe thành công nhất trong lịch sử của đội khi Senna cùng Prost thắng 15 trong tổng số 16 chặng. McLaren trở nên “vô đối” trên bảng xếp hạng đội đua, đồng thời giúp Senna có được chức vô địch thế giới đầu tiên của mình.

Khi động cơ tăng áp bị cấm kể từ năm 1989, vị thế của McLaren vẫn không đổi. Với động cơ 3.5L V10 mới, đội đua vẫn thống trị ở cả bảng xếp hạng, bất chấp mối quan hệ nhiều mâu thuẫn của hai tay đua chính.

Và dù Prost có rời đi vì không thể làm việc nổi với Senna thì tay lái người Brazil vẫn lên ngôi vương thêm 2 lần nữa vào năm 1990 và 1991. Năm 1992 chứng kiến sự trỗi dậy của Williams khi họ sở hữu những công nghệ điện tử tân tiến trên chiếc FW14B, và do đó McLaren bị đẩy xuống hạng hai trên bảng xếp hạng đội đua.

Chiếc MP4/4 của McLaren giúp Senna vô địch thế giới năm 1988. Ảnh: Motorsport Magazine

Sau năm 1992, khi bong bóng tài sản của Nhật Bản bị vỡ, Honda rút khỏi F1. McLaren quay trở lại dùng động cơ từ Ford – khối động cơ 3.5L V8. Tuy nhiên, sau chỉ một mùa giải đầy hứa hẹn với vị trí á quân trên bảng xếp hạng đội đua, Ford bị McLaren “đá” để đổi sang dùng động cơ của Peugeot. Thế nhưng quyết định này lại là một lựa chọn sai lầm khi đội chỉ ghi được một nửa so với những gì Ford đã làm được trong năm 1994.

4. Hợp tác với Mercedes (1995 - 2014)

Thất vọng vì độ bền yếu kém từ động cơ V10 dung tích 3.5 lít từ Peugeot, McLaren tuyên bố hợp tác toàn diện với Mercedes-Benz. Cái bắt tay này bao gồm việc đội được cung cấp động cơ do Mercedes chế tạo (và lắp ráp bởi Ilmor Engineering), được sử dụng các phương tiện của Mercedes-AMG và được hỗ trợ đầy đủ từ nhà máy của Daimler AG và Mercedes-Benz.

Những năm tháng cùng động cơ Mercedes đã giúp McLaren tiếp tục viết nên lịch sử của họ tại F1. Bất chấp việc phải đợi tới năm 1997 mới có được chiến thắng đầu tiên, đây lại là tiền đề để đội vươn lên giành chức vô địch cá nhân cùng Mika Hakkinen trong hai mùa giải 1998 và 1999.

Tuy vậy, chức vô địch đội đua năm 1998 lại là danh hiệu đồng đội cuối cùng mà họ có được cho tới nay.

Sau khi được trang bị động cơ Mercedes, Mika Hakkinen cùng McLaren vô địch F1 mùa giải 1998. Ảnh: Formula 1

Bước sang đầu những năm 2000, McLaren vẫn giữ vị thế của một đội đua cạnh tranh danh hiệu, nhưng dường như chiếc xe đua của họ bắt đầu thiếu đi sự ổn định để có thể đăng quang. Năm 2007, nhà vô địch thế giới Fernando Alonso gia nhập đội cùng tay đua trẻ đầy tiềm năng Lewis Hamilton. Những tưởng đây là sự kết hợp “trong mơ” để giúp McLaren trở lại thống trị giải đấu, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Đội đua nước Anh nhận án phạt nặng nhất trong lịch sử khi bị phạt 100 triệu USD, đồng thời bị trừ toàn bộ số điểm trên bảng xếp hạng đội đua, do có liên quan đến sự việc một cựu nhân viên của Ferrari đã đánh cắp tài liệu mật của đội đua nước Ý trước khi gia nhập McLaren.

Chưa hết, mối quan hệ giữa hai tay đua trong đội cũng vô cùng căng thẳng khi Alonso liên tục cho rằng Lewis Hamilton được ưu ái hơn vì là người Anh. Cuối cùng, chức vô địch cá nhân năm đó cũng chẳng thuộc về ai trong hai người, mà nó rơi vào tay của Kimi Raikkonen (Ferrari).

Cả hai tay đua của McLaren đành ngậm ngùi nhìn Kimi Raikkonen đoạt lấy chức vô địch cá nhân mùa giải 2007. Ảnh: Formula 1

Năm 2008 là năm cuối cùng cho tới nay McLaren có được danh hiệu, khi Lewis Hamilton đánh bại Felipe Massa với chỉ 1 điểm nhiều hơn để lần đầu tiên lên ngôi. Giai đoạn từ 2010 - 2014 chứng kiến việc McLaren chỉ còn là đội đua khách hàng của Mercedes, sau khi hãng xe nước Đức tự thành lập đội đua của riêng mình.

Dù vẫn duy trì được là đội đua cạnh tranh cho ngôi đầu, nhưng McLaren chưa thể có đủ tiềm lực để vươn lên so với những Red Bull, Ferrari và Mercedes trong thời gian ấy.

5. Tái hợp với Honda (2015 - 2017)

Nhận ra không thể cạnh tranh được với Mercedes khi dùng động cơ được cung cấp bởi chính đối thủ, McLaren tìm kiếm nhà cung cấp động cơ cho riêng mình. Và Honda – hãng xe từng giúp họ thống trị giải đấu cuối thập niên 80 với khối động cơ 1.5 lít V6 tăng áp – là cái tên được chọn.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng sẽ tái hiện lại phong độ năm xưa, sự kết hợp này lại là một thảm họa. Trong suốt 3 năm Honda cung cấp động cơ cho McLaren, đội gặp phải vô số những lần động cơ đột ngột bốc khói, khiến các tay đua phải bỏ cuộc (retire).

Vô số thảm hoạ về động cơ của Honda phát sinh trong lần tái hợp với McLaren. Ảnh: Race Department

Không chỉ có vấn đề về độ bền, sức mạnh của động cơ cũng thực sự yếu kém. Fernando Alonso đã nhiều lần chỉ trích công khai Honda ngay trên sóng radio (được phát trên mỗi cuộc đua). Anh so sánh động cơ này như động cơ của giải GP2 (giải hạng dưới của F1). McLaren thực sự “chạm đáy nỗi đau” khi bị đẩy xuống vị trí tệ nhất của họ kể từ những năm 80, khi hai lần xếp hạng 9 vào năm 2015 và 2017.

6. Renault (2018 - 2020)

Không thể hài lòng với những gì nhà cung cấp động cơ của Nhật Bản đem lại, McLaren có lần đầu tiên hợp tác với Renault kể từ năm 2018. Tại chặng đua mở màn mùa giải, Fernando Alonso đã đem về thành tích tốt nhất của đội kể từ GP Monaco 2016 với vị trí P5.

McLaren đã có một khởi đầu mùa giải tương đối tốt khi ghi được điểm trong 4 chặng đua tiếp theo. Nhưng trong 16 chặng đua sau đó, McLaren chỉ ghi được 22 điểm, kém 8 điểm so với cùng kỳ năm 2017. Đội đã kết thúc mùa giải đáng thất vọng ở vị trí thứ 6 với 62 điểm, kém 357 điểm so với Red Bull Racing dù dùng chung một bộ động cơ của Renault.

Mùa giải 2019 tích cực hơn nhiều đối với McLaren với sự xuất hiện của Zak Brown ở vị trí CEO. Đội đua chỉ chịu đứng sau 3 ông lớn là Mercedes, Ferrari và Red Bull. Tại Brazil, Sainz đã kiếm về podium đầu tiên của đội kể từ GP Úc 2014. Ban đầu anh chỉ xếp thứ tư, nhưng được thăng hạng vì Lewis Hamilton nhận án phạt sau cuộc đua.

McLaren kết thúc mùa giải năm đó ở vị trí thứ tư với 145 điểm – thành tích tốt nhất của họ kể từ năm 2014. Số điểm này cũng giúp họ vượt lên trên đối thủ cạnh tranh gần nhất (là chính Renault) với khoảng cách tới 54 điểm.

Carlos Sainz đem về podium đầu tiên cho McLaren kể từ chặng GP Úc 2014. Ảnh: Formula 1

Năm 2020, McLaren giành thêm 2 podium cùng vị trí P3 cho Norris ở GP Áo, và suýt chút nữa thì thắng cuộc tại Monza (khi Sainz có được vị trí P2). Đội đã khép lại mùa giải 2020 ở vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng đội đua với 202 điểm.

7. Trở lại với Mercedes

McLaren quay lại sử dụng động cơ của Mercedes vào năm 2021 sau khi hợp đồng của họ với Renault kết thúc. Trong 9 cuộc đua đầu tiên của mùa giải, đội đã giành được 3 podium ở Ý, Monaco và Áo, tất cả nhờ công của Lando Norris.

Thành công lớn nhất của đội trong mùa này xảy ra ở Monza (Ý). Tại đây, tay đua Daniel Ricciardo đã giành được chiến thắng đầu tiên của McLaren kể từ Brazil 2012, trong khi Norris về ngay sau ở vị trí P2.

Ricciardo và Norris cùng nhau giành chiến thắng 1-2 cho McLaren tại Monza, Ý mùa giải 2021. Ảnh: WTF1

Chưa hết, Norris cũng suýt chút nữa đã có chiến thắng đầu tay ở Nga. Anh đã không tận dụng được lợi thế của mình do sự thay đổi đột ngột về điều kiện thời tiết và chiến lược của đội trong hai lap cuối cùng của cuộc đua. Tuy có mùa giải tương đối thành công như vậy, McLaren chỉ xếp hạng tư sau Ferrari (do hụt hơi về phong độ ở những chặng cuối cùng).

8. Một tương lai khá mù mịt

Bước sang năm 2022, với những quy định mới về xe đua, McLaren được hứa hẹn sẽ tiếp tục thách thức nhóm dẫn đầu dưới sự chèo lái của đội trưởng Andrea Seidl – người từng giúp Porsche nhiều lần thắng giải Le Mans 24 giờ danh giá.

Tuy vậy, tính đến thời điểm hiện tại (trước chặng đua thứ 10 tại Anh), McLaren dù vẫn đang xếp thứ tư trên bảng xếp hạng đội đua nhưng đã có tới 3 chặng “trắng điểm”. Bị top 3 bỏ cách tới 122 điểm, điểm sáng hiếm hoi duy nhất của đội có lẽ chỉ nẳm ở lần lên bục podium của Norris tại GP Emilia Romagna.

Chiếc MCL36 của McLaren đang cho thấy nhiều sự bất ổn về hiệu suất. Ảnh: Eurosport

Rõ ràng, bất chấp một bề dày kinh nghiệm thi đấu tại F1, McLaren vẫn đang rất chật vật với phong độ hiện tại. Chúng ta hãy cùng theo dõi giải đấu để xem McLaren sẽ bằng cách nào xoay chuyển được tương lai đang khá mù mịt này.

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Đội đua

Có phải Mercedes đang suy thái như Williams?

Mercedes - một trong những đội đua thành công bậc nhất F1 - đang trải qua thời kỳ khó khăn, và tình thế này được so sánh với đội Williams trước đây.

25 Tháng 04, 2024
GP Saudi Arabia

Có phải Mercedes đang suy thái như Williams?

Mercedes - một trong những đội đua thành công bậc nhất F1 - đang trải qua thời kỳ khó khăn, và tình thế này được so sánh với đội Williams trước đây.

25 Tháng 04, 2024
Tay đua
điểm
1
max verstappen
102
2
sergio pérez
79
3
charles leclerc
71
4
carlos sainz
65
5
lando norris
55
6
oscar piastri
36
7
george russell
32
8
fernando alonso
31
9
lewis hamilton
12
10
lance stroll
9
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.