ĐĂNG NHẬP
Đằng sau nghệ thuật Pitstop trong F1

Đằng sau nghệ thuật Pitstop trong F1

Pitstop trong F1 không chỉ đơn thuần là thay lốp mà nó còn là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự chính xác và tỉ mỉ cũng như là sự phối hợp nhịp nhàng và ăn ý.

25 Tháng 03, 2024

Làm thế nào mà người ta có thể thay lốp cho mỗi chiếc xe F1 trong chớp nhoáng như vậy? Kỉ lục pitstop nhanh nhất thuộc về ai và kéo dài bao nhiêu giây? Tại sao họ lại làm được như vậy? Tất cả sẽ được giải đáp ngay sau đây.

1. Cơ chế hoạt động của một pitstop là như thế nào?

Một pitstop bắt đầu ngay từ trước khi một tay đua biết là họ phải vô pit. Hàng ngũ chuyên gia kĩ thuật của các đội đua từ lâu đã vô cùng bận rộn và đang phải làm việc hết công suất để mà có được một chiến thuật hoàn hảo cho các tay đua của mình. Nó như thể là một ván cờ với 20 người chơi khác nhau vậy.

Đội ngũ kĩ thuật viên pitwall của Ferrari. Ảnh: Formula 1

Đội chiến thuật ở đây không chỉ là những thành viên ngồi trên pit wall hay thậm chí là trong gara, mà nó cũng bao gồm cả những thành viên tại trụ sở chính của đội đua, nơi mà thường là cách xa cả ngàn dặm so với trường đua đó.

Với hàng ngàn các camera, cảm biến cũng như là hệ thống đo lường được lắp đặt ở khắp mọi nơi (kể cả trên xe hay là trong chính mũ bảo hiểm và găng tay của mỗi vận động viên tham gia), các đội đua có thể dựa vào một lượng data khổng lồ để mà có thể đưa ra được chiến thuật ưng ý. Việc căn chỉnh thời gian vào pit có thể là yếu tố sống còn, quyết định thành tích của mỗi tay đua.

Một khi mà họ đã đưa ra quyết định cho tay đua của mình vào pit, ta sẽ thường nghe thấy tín hiệu “box, box” trên radio. Điều này có nghĩa là tay đua ấy sẽ phải vào đường pit và giảm tốc độ (từ hơn 300km/h xuống chỉ còn từ 80-100km/h được giới hạn trong đường pit) để mà vào đúng vị trí của đội mình, nơi mà hơn 20 thợ máy đã vào vị trí và sẵn sàng tác chiến.

2. Liệu người ta có quy định thời gian tối thiểu hay tối đa cho một pitstop hay không?

Câu trả lời sẽ là không, tuy FIA cũng từng có ý định làm một điều tương tự.

Bộ lốp 18 inch to hơn và nặng hơn từ 2022 trở đi đã thúc đẩy FIA thêm vào một khoảng delay dài 0,15 giây cho cảm biến lốp từ khoảng thời gian lốp được lắp chặt cho đến khi phần mềm nhận được tín hiệu đó.

Hơn nữa, một khoảng delay khác dài 0,20 giây cũng đã được thêm vào từ lúc nút bấm trên mỗi wheel gun được kích hoạt cho đến khi đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh.

Tuy nhiên, cuối cùng thì do chỉ trích từ các đội đua mà điều luật trên đã không được áp dụng, mà thay vào đó các đội chỉ cần chia sẻ cho FIA các thông số đến từ cảm biến của các đội đua và tự đảm bảo được rằng lốp đã được gắn ổn định trên xe. Cũng có một tin đồn là pitstop phải kéo dài ít nhất là 2 giây, nhưng rồi điều này cuối cùng đã không xảy ra.

Các thành viên đội Red Bull theo dõi chặng đua. Ảnh: Washinton Post

3. Những thành viên đứng ra thay lốp thực sự là những ai?

Chính những thợ máy mà ta thường thấy ở trong gara mà luôn luôn bận rộn với các linh kiện của xe và các bộ dụng cụ lỉnh kỉnh lại chính là những người mà phải hì hục thay lốp trong mỗi chặng đua.

Họ được đào tạo chuyên nghiệp để mà có thể thực hiện được công việc này một cách nhanh chóng mà lại không kém phần chính xác, với những công việc cụ thể như sau:

3.1. Ba thành viên trực tiếp thay lốp ở mỗi góc xe:

1 người tháo bỏ lốp cũ, 1 người lắp đặt lốp mới với 1 thành viên ở giữa sẽ tháo lỏng và vặn chặt vít ở giữa (sử dụng wheel gun chạy bằng khí nén). Mỗi chiếc xe có 4 bánh, vậy nên là chưa gì ta đã cần phải có tận 12 thành viên cho công việc đầu tiên này rồi.

3.2. Một người nâng xe ở phía trước (front jack)

Một thợ máy đứng phía trước sẽ có nhiệm vụ đón xe vào và dùng cán nâng phía trước (front jack) để mà nâng mũi xe lên. Việc nâng một chiếc xe F1 như vậy được thực hiện thủ công, nhưng nhờ cơ chế đòn bẩy nên chỉ tốn một vài mili giây mà thôi.

3.3. Một người nâng xe từ phía sau (rear jack)

Tương tự như ở trên, cũng sẽ có một thợ máy khác đứng đằng sau xe để mà làm công việc y chang như thế, nhưng thay vì bẩy vào mũi cánh gió trước của xe thì họ sẽ dựa vào phần cản sau của xe.

3.4. Một người cầm cán nâng dự phòng

Phòng trường hợp cán trước bị hỏng hoặc là xe bị thả xuống quá sớm, trước khi lốp được gắn chặt trên xe

3.5. Hai người đứng mỗi bên để cân bằng cho xe

Họ sẽ hay đứng ở hai bên sidepod để giữ cho xe thăng bằng

3.6. Hai người cầm dụng cụ chỉnh góc cánh gió trước

Họ sẽ chỉnh cánh gió trước theo chỉ số mà các tay đua yêu cầu

3.7. Một người giám sát đường pit

Đảm bảo rằng không có xe nào đang ra vào pit để tránh va chạm

3.8. Một người làm “lính cứu hỏa” cơ động

Họ sẽ cầm sẵn một bình cứu hỏa để dập tắt bất kì đám cháy nào có thể xảy ra

3.9. Và cuối cùng, 1 người sẵn sàng với một motor để khởi động lại xe khi cần.

Chi tiết cấu hình của một pitstop trong F1. Ảnh: McLaren Formula 1 Team

4. Thế thì ai sẽ là Lollipop man?

Cũng như những thành viên cầm ống nhiên liệu bơm xăng cho xe, “lollipop man” là một vị trí mà giờ đây không còn tồn tại trong F1 nữa.

Với tên gọi lấy cảm hứng từ tấm biển có hình kẹo mút (lollipop) của họ, lollipop man từng là người có nhiệm vụ cầm biển chỉ dẫn để ra tín hiệu dừng cho mỗi tay đua và ra hiệu lệnh cho họ mỗi khi sẵn sàng. Những ai có dịp xem lại những chặng đua F1 cũ trước đây sẽ thấy một thành viên như vậy, nhưng giờ đây thì họ đã bị thay thế bởi hệ thống tín hiệu đèn trên đường pit.

Một lollipop man của đội Toyota đang gọi tay đua vào pit. Ảnh: Formula 1

5. Không chỉ là thay lốp

Xe F1 hiện giờ không còn được bơm nhiên liệu giữa giờ nữa, nhưng không vì thế mà họ không có nhiệm vụ nào khác ngoài thay lốp.

Cánh gió trước là một bộ phận tuy đắt đỏ (trung bình quy đổi ra là 10 tỷ đồng cho mỗi bộ phận cánh gió+mũi xe) nhưng lại bị hỏng nhiều nhất trong mỗi chặng đua. Vì vậy mà đôi khi họ có thể sẽ phải thay bộ phận cánh trước một cách nhanh chóng trên xe, điều mà trung binh sẽ tốn thêm tầm từ 8 đến 10 giây để thực hiện.

Không chỉ có vậy, đôi khi sẽ một sự cố bất ngờ nào đó, đòi hỏi các thợ máy phải biết xử lí một cách nhạy bén. Tấm dán visor bị kẹt trong ống phanh, túi ni lông bị vướng vào cánh trước, đệm đỡ đầu bị hỏng hay thậm chí là vô lăng bị hỏng cần phải thay là những điều đều đã từng xảy ra đối với các tay đua.

Các thợ máy Ferrari đang thay cánh trước cho chiếc SF90 của Sebastian Vettel. Ảnh: Mark Sutton/Sutton Images

6. Pitstop nhanh đến kỉ lục!

Màn thay lốp nhanh nhất thế giới hiện nay là kỉ lục thuộc về đội McLaren, được thực hiện tại chặng đua Qatar GP trên chiếc MCL60 số 4 của Lando Norris.

Cận cảnh pitstop kỉ lục của McLaren. Video: F1/DHL

Họ đã thay cả 4 bánh xe chỉ trong vỏn vẹn 1,80 giây mà thôi!

Đó là lần đầu tiên trong 4 năm mà kỉ lục này bị phá vỡ, với thành tích 1,82 giây được thực hiện bởi Red Bull Racing vào năm 2019 tại chặng GP Brazil trên chiếc RB14 số 33 của Max Verstappen.

7. Giải thưởng Pitstop Nhanh nhất F1 của DHL

Từ năm 2015, DHL đã cho ra giải thưởng nhằm tôn vinh những đội đua có thành tích vượt bậc trên đường pit ở cuối mỗi mùa giải.

Từ năm 2017, một hệ thống điểm tương tự như hệ thống điểm F1 đã được thiết lập để trao giải cho đội đua nào có được nhiều điểm nhất. Một kỉ lục pitstop nhanh nhất kèm theo cũng được DHL thống kê theo từng chặng đua.

Bảng: Xếp hạng kỉ lục pitstop và tổng điểm trong giải thưởng của DHL

Năm thi đấu

Đội đua

Số giây

Tổng điểm

2023

McLaren

1,80

302

2022

Red Bull Racing

1,98

536

2021

Red Bull Racing

1,88

569

2020

Red Bull Racing

1,86

555

2019

Red Bull Racing

1,82

504

2018

Red Bull Racing

1,97

466

2017

Mercedes

2,02

472

2016

Williams

1,92

-

2015

Ferrari

2,10

-

Nguồn dữ liệu: DHL

Williams dưới thời Martini và Red Bull Racing là hai đội đua thường thực hiện được pitstop nhanh nhất, với đội đua từ Áo giành chiến thắng cũng như kỉ lục trong 5 năm liên tiếp. 3 mùa giải đầu tiên chứng kiến Ferrari, Williams và Mercedes giành chiến thắng, với kỉ lục hiện tại được nắm giữ bởi McLaren tại chặng đua Qatar GP năm 2023.

Red Bull hiện là đội thành công nhất khi nói về pitstop hiện nay. Ảnh: RacingNews365

8. Pitstop theo dòng lịch sử F1

Vào trước những năm 1950, đường pit vẫn còn là một khái niệm khá là mới mẻ bởi vì nó thực sự không hơn gì cái vỉa hè hiện nay. Các tay đua chỉ tấp vào lề đường, làm một li cà phê trong khi anh thợ máy cầm can hoặc xô để đổ thẳng xăng vào xe mà thôi.

Khi mà giải đua F1 chính thức được thiết lập vào những thập niên 50, các thợ máy đã có thể làm việc một cách an toàn hơn trong đường pit được ngăn cách khỏi đường đua chính.

Vào năm 1957, pitstop lần đầu tiên được coi là một yếu tố quan trọng trong chiến thuật đua, với đội Ferrari chỉ đổ đầy một nửa bình xăng nhằm giảm trọng lượng xe, ý là để vào pit để thay lốp mềm hơn và tiếp thêm nhiên liệu cho xe. Họ đã có thể dẫn đầu với khoảng cách kéo dài tận 30 giây đồng hồ.

F1 đã phát triển không ngừng vào những năm 1970, nhưng pitstop lại có phần còn lạc hậu hơn. Có quá ít thợ máy làm việc trên xe, nhất là khi 2 xe cần pit cùng một lúc. Do đó, wheel gun đã được đưa vào sử dụng nhằm cải thiện thời gian thay lốp (khác hẳn so với 20 năm về trước, khi mà họ còn phải dùng búa gỗ để mà tháo vít cho xe)

Piitstop từ đó đã được cải tiến không ngừng, và vào những năm 1990 thì nó chỉ kéo dài đúng 5 giây mà thôi (đó là nếu họ chỉ thay mình lốp). Một giới hạn vận tốc cũng đã được thiết lập nhằm đảm bảo an toàn cho các thành viên có mặt trong đường pit, dao động vào khoảng 60 đến 100 km/h tùy vào trường đua.

Việc tiếp nhiên liệu cũng từng là một phần tất yếu của F1. Từ xô chậu, bình bơm thủ công cho đến vòi bơm áp suất lớn, tiếp nhiên liệu cho phép xe F1 có thể được thiết kế với bình nhiên liệu nhỏ gọn hơn nhằm giảm thiểu kích thước cũng như trọng lượng thân xe.

Tuy nhiên, đây lại là một yếu tố khá là nguy hiểm trong mỗi chặng đua, và sau nhiều sự cố như là xe của Jos Verstappen (bố của Max cho những ai thấy tên quen) bắt lửa do bị rò rỉ nhiên liệu, hay là nhiều trường hợp xe chạy đi với ống bơm vẫn còn mắc kẹt trên xe, việc bơm nhiên liệu đã bị bãi bỏ kể từ năm 2010.

Pitstop thảm họa của Benetton. Ảnh: Autosport

Kể từ đó, pitstop đã ngày một nhanh hơn và thường dao động vào khoảng từ 2 đến 3 giây đồng hồ. Điều này có được là nhờ công nghệ hiện đại cũng như là sức chịu đựng của đội ngũ kĩ thuật viên.

9. Một số sự cố pitstop đáng chú ý

9.1. Jos Verstappen, Hockenheimring, 1994

Như đã đề cập ở trên, do đội Benetton vì muốn bơm nhiên liệu nhanh hơn mà đã làm trái quy định, tháo bỏ tấm lọc ở miệng vòi bơm để tiết kiệm thêm vài giây. Nhưng mà sai một li đi một dặm, chính điều đó đã làm cho nhiên liệu bị bắn ra tứ phía, gây nên một ngọn lửa vô cùng lớn.

Thật may là các thợ máy đã có thể nhanh chóng dập lửa, với bố của Max chỉ bị bỏng nhẹ ở phần mũi. Cũng vì thế mà các tay đua phải đóng kín mũ bảo hiểm mỗi khi vào đường pit.

9.2. Felipe Massa, Singapore 2008

Vì lỗi đèn tín hiệu mà Massa đã lỡ nhấn ga quá sớm mà lôi theo cả ống bơm đến cuối đường pit, báo hại anh phải chờ các thợ máy của mình chạy đến tháo. Và thế là Massa đã mất đi vị trí dẫn đầu của mình một cách vô cùng bất lực.

Có lẽ cùng vì crashgate mà Massa vừa rồi đã đâm đơn kiện FIA. Ảnh: The Guardian

9.3. Lewis Hamilton, Canada 2008

Ra khỏi pit mà không để ý tín hiệu đèn đỏ cuối đường pit, Hamilton đã quá bất ngờ mà đâm vào chiếc Ferrari của Kimi Raikkonen đang đỗ ở trước vạch kẻ, khiến cho tay đua phía sau là Nico Rosberg ở đội Williams cũng đâm vào phía sau anh. Cả 2 tay đua sau đó đều không thể tiếp tục thi đấu.

9.4. Kimi Raikkonen, Bahrain 2018

Cũng vì lỗi đèn tín hiệu mà chiếc Ferrari của anh đã cán qua và làm gãy chân một người thợ máy ở góc phía sau bên trái xe, khiến cho cả hai đều không thể tiếp tục tham gia chặng đua. Đồng đội Sebastian Vettel của anh sau đó cũng phải cố mà giữ lốp bởi anh cũng vì thế mà không thể vào pit lần 2.

9.5. Valterri Bottas, Monaco 2021

Một “kỉ lục” không chính thức mà vô cùng khó quên của Mercedes. Pitstop dài nhất lịch sử F1, kéo dài tận 43 tiếng đồng hồ, đã xảy ra với chiếc W12 số 77 của Bottas. Một pitstop bình thường lại trở thành một sự cố dở khóc dở cười khi phần vít bánh xe bị mài mòn đến mức không một dụng cụ nào có thể tháo ra được.

Một kĩ thuật viên sử dụng công cụ chuyên dụng tại nhà máy mới có thể tháo chiếc lốp ấy ra. Video: Mercedes-AMG F1 (Twitter)

Bottas thế là bị loại khỏi vòng đua, và phải đến khi họ mang chiếc xe nguyên trạng về nhà máy đặt tại trụ sở của Mercedes thì chiếc bánh xe cứng đầu ấy mới có thể được tháo ra, hơn 43 tiếng đồng hồ sau khi Bottas vào được đường pit.

So với việc thay đổi luân phiên các tay đua như là Le Mans/WEC hay thậm chí là cả một chiếc xe mỗi lần pit như là Formula E đời đầu thì một pitstop của F1 lại vô cùng nhanh gọn và chớp nhoáng, đòi hỏi sự tập trung cao độ và sự phối hợp nhịp nhàng. Và mong là các fan hâm mộ cũng như các độc giả cũng có một cái nhìn tổng thể hơn về pitstop trong môn thể thao hàng đầu thế giới này.

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Kỹ thuật
GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
102
2
sergio pérez
79
3
charles leclerc
71
4
carlos sainz
65
5
lando norris
55
6
oscar piastri
36
7
george russell
32
8
fernando alonso
31
9
lewis hamilton
12
10
lance stroll
9
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.