ĐĂNG NHẬP
Massa đệ đơn kiện liên quan đến kết quả mùa giải F1 2008

Massa đệ đơn kiện liên quan đến kết quả mùa giải F1 2008

Felipe Massa đã tiến hành những bước đi đầu tiên nhằm đệ đơn kiện F1 và FIA về kết quả chung cuộc của chặng đua Singapore GP năm 2008.

29 Tháng 08, 2023

Reuters đưa tin một lá Đơn trước khiếu nại (Letter Before Claim) đã được gửi tới Stefano Domenicali, CEO của F1, và Chủ tịch hiện tại của FIA là ông Mohammed Ben Sulayem ngay trong tuần vừa qua.

Ưu tiên hàng đầu của vụ kiện này không phải để thay đổi kết quả chặng đua hay giải đua năm ấy, mà dường như là để yêu cầu những khoản bồi thường về mặt tài chính do chức vô địch bị đánh mất.

Hợp đồng giữa Massa và Ferrari có thể bao gồm khoản tiền thưởng lớn nếu như anh giành được chức vô địch mùa giải. Bên cạnh đó, vị thế của một nhà vô địch cũng có thể giúp anh rất nhiều về mặt thương hiệu cũng như hình ảnh cá nhân.

Chi tiết đơn kiện của Massa về kết quả mùa giải 2008. Video: The Race (YouTube)

“Đơn giản mà nói, ngài Massa là nhà vô địch chính đáng của mùa giải 2008, và F1 và FIA đã không hề có động thái gì trước những sự dàn xếp làm thay đổi kết quả mùa giải năm ấy”, trích nội dung lá đơn theo nguồn tin của Reuters.

“Ngài Massa không thể ước lượng được hết thiệt hại của bản thân, nhưng ta có thể ước tính là nó có thể vượt quá hàng chục triệu Euro. Khoản tiền này dù lớn đến mấy cũng không thể so sánh được với những mất mát về mặt tinh thần, cũng như danh tiếng của ngài Massa.”

Massa có thể sẽ “tiếp tục tiến hành làm việc với tòa án tại Anh mà không thông báo trước” nếu như không nhận được phản hồi trong vòng 14 ngày.

1. Chuyện gì đã xảy ra tại Singapore?

Trong khi Massa đang dẫn đầu vòng đua chính tại Singapore thì tay đua Nelson Piquet Jr đã đâm vào tường rào một cách có chủ đích dưới sự chỉ đạo của đội trưởng đội Renault. Vụ việc khiến cho xe an toàn được điều động và tạo điều kiện cho đồng đội Fernando Alonso có cơ hội giành chiến thắng.

Ferrari đã pit cả hai xe trong hỗn loạn và sơ sẩy để cho vòi tiếp nhiên liệu vẫn còn nguyên trên xe khi ra hiệu cho Massa rời đi. Chính vì thế, một chiến thắng dễ dàng đã biến thành một chặng đua thảm họa cho Ferrari với kết quả ở vị trí thứ 13. Cuối cùng thì Massa đã để vuột mất chức vô địch năm ấy chỉ vì 1 điểm duy nhất.

Top 10 những vụ lùm xùm lớn nhất lịch sử F1. Video: The Race (YouTube)

Tay đua giành podium sau Fernando Alonso và Nico Rosberg (Williams F1) tại Singapore năm ấy không ai khác chính là Lewis Hamilton – người mà sau này đã giành chức vô địch khỏi tay Massa trong khúc cua cuối cùng của chặng đua chung kết tại Brazil.

Khi sự việc được phơi bày ra ánh sáng vào một năm sau (sau khi Piquet Jr bị sa thải), Renault đã phải chịu án treo với nguy cơ bị loại khỏi giải đua. Còn đội trưởng Flavio Briatore và Pat Symonds thì bị cấm tham gia các môn thể thao động cơ với thời hạn lần lượt là vĩnh viễn (sau này Flavio Briatore đã khiếu nại xóa án) và 5 năm.

2. Tại sao tới giờ Massa mới đề đơn kiện?

Massa từng đề cập tới khả năng đưa vụ việc ra tòa trong một buổi phỏng vấn đầu năm nay với cựu chủ tịch F1, Bernie Ecclestone. Nguồn tin đến từ Đức cho hay, lúc bấy giờ Ecclestone và cố chủ tịch F1 là Max Mosley đã thừa biết về cú va chạm có chủ đích của Piquet, nhưng họ cố che giấu để “bảo vệ hình ảnh của F1”.

Theo như những khiếu nại của Massa thì đáng lẽ ra kết quả giải đua đã phải bị xóa bỏ, đồng nghĩa với việc Hamilton cũng sẽ mất đi 6 điểm giúp cho anh giành chức vô địch năm ấy.

Nếu như chỉ Renault bị loại khỏi chặng đua đó, Hamilton sẽ được nâng lên vị trí thứ 2 và kéo dài khoảng cách dẫn đầu chung cuộc lên 2 điểm.

3. Liệu scandal này có thực sự khiến cho Massa mất đi chức vô địch?

Nếu như chỉ tính những chặng đua không bị ảnh hưởng một cách trái phép, Massa đã có thể trở thành nhà vô địch F1 gần đây nhất của Ferrari. Những rắc rối trên khiến anh vuột mất một bàn thắng tưởng chừng đã nắm chắc trong tay cho đến thời điểm đó, và sau này là mất cả chức vô địch.

Nếu như không có cú va chạm của Piquet Jr. tại Singapore, Massa đã có thể dẫn đầu trước khoảng 3 điểm tại chặng đua chung kết ở Brazil (tùy vào vị trí về đích của Lewis Hamilton nếu như Renault không nhúng tay vào việc này).

Bàn thắng của Massa tại Interlagos và việc Hamilton về đích thứ 5 đồng nghĩa với việc anh đã có thể giành chiến thắng với khoảng cách lên tới 9 điểm, thay vì thua chỉ vì 1 điểm như trước đây.

Massa cũng như rất nhiều fan Brazil đã vô cùng tiếc nuối sau chặng đua chung kết năm ấy. Ảnh: The Race

Năm đó khi sự việc được phơi bày trước công chúng, cả Ferrari và Massa đã quyết định không can thiệp vào nữa. Tuy nhiên, giờ đây người ta lại chú ý đến chặng đua 2008 tại Singapore một lần nữa vì Massa.

Để có cái nhìn toàn cảnh hơn về sự việc, hãy cùng đi phân tích những nguyên nhân sâu xa dẫn đến những lùm xùm trên.

Công ty mẹ của Renault đã cân nhắc cắt giảm nhân sự cho mùa giải 2009. Đội đua đánh mất phong độ có được sau khi vô địch mùa giải 2005 và 2006. Cùng với đó là hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm cho tình hình trở nên ngày một khó khăn hơn.

Một đội đua không đạt chỉ tiêu mà lại tiêu tốn tới hơn 200 triệu bảng Anh/năm để vận hành rõ ràng sẽ là một trong những hạng mục bị cắt giảm đầu tiên của ban nhân sự tập đoàn Renault.

Đội trưởng Flavio Briatore nói với những đồng nghiệp cấp cao của mình rằng công ty của họ yêu cầu ít nhất một chặng thắng trong nửa sau của mùa giải nếu họ không muốn bị sa thải vào năm 2009. Khi đó, áp lực đè nặng lên cả đội là vô cùng lớn.

Nửa đầu mùa giải 2008 với Renault là vô cùng khó khăn. Ảnh: The Race

Nhưng Singapore lại thắp sáng ngọn lửa hy vọng mà họ đang hằng mong ước. Chiếc xe đang được phát triển và cải tiến không ngừng, hỗn hợp nhiên liệu mới từ Elf đã làm tăng sức mạnh động cơ, cộng với trường đua trên phố sẽ là cơ hội tốt để Alonso có thể trổ tài hết khả năng.

Trong cả FP2 lẫn FP3, tốc độ của Alonso nhanh hơn cả Lewis Hamilton và hai tay đua của Ferrari. Có thể chỉ là do chênh lệch về lượng nhiên liệu trong xe, nhưng dù gì thì đó cũng là một kết quả không tồi. Anh tin là mình có thể bộc lộ hết tài năng và đạt được kết quả mong muốn.

Alonso đã giành được vị trí thứ 6 và vượt qua Q1, nhưng đến Q2 thì lại gặp phải vấn đề liên quan đến đường dẫn nhiên liệu trên xe. Điều này đồng nghĩa với việc anh sẽ phải xuất phát ở vị trí thứ 15. Một thời cơ hiếm gặp thế là vuột khỏi tay Renault.

Phải chăng đây là một ví dụ điển hình của hiệu ứng cánh bướm trong F1?. Ảnh: The Race

Tuy nhiên, trong một buổi thảo luận chiến thuật trước khi đua, một thành viên bông đùa rằng chả lẽ họ lại cho Piquet Jr cố tình đâm để buộc xe an toàn được điều động. Việc này có thể giúp Alonso “nhảy cóc” các đối thủ (do quy định của năm 2008 yêu cầu chặn hết đường pit khi xe an toàn mới được đưa ra).

Túng quá hóa liều, Briatore lại thực sự tính tới khả năng thực hiện kế hoạch mà không ai có thể ngờ tới.

Và cứ thế, lời bông đùa đã biến thành một kế hoạch tinh vi. Họ đã chọn vị trí sao cho các marshall không thể mang xe vào mà bắt buộc người ta phải đưa cần cẩu ra bằng cách tỉ mỉ phân tích bản đồ trường đua.

Và cuối cùng họ chọn khúc caa thứ 17 – nơi mà chắc chắn xe an toàn sẽ phải được điều động. Briatore hoàn toàn ủng hộ kế hoạch đó. Ông cho nó là vì lợi ích của cả một tập thể. Piquet Jr. khi đó đã đồng ý tham gia, nhưng sau này ta mới biết đó là do anh bị ép phải làm thế nếu không muốn sớm bị sa thải trong mùa giải đầu tiên.

Theo như những gì đã bàn từ trước, ngay sau khi được ra tín hiệu, anh sẽ cố tình ga quá đà và trượt khỏi khúc cua thứ 17, gây ra một va chạm vô hại nhưng đủ để cản trở vòng đua. Anh thậm chí còn thử làm thế ngay trong vòng khởi động, coi như “tập luyện” cho màn trình diễn của mình.

Và thế là vòng đua trong đêm đầu tiên của F1 chính thức bắt đầu. Felipe Massa dần dần bỏ xa các đối thủ của anh ở vị trí dẫn đầu, theo sau đó là Lewis Hamilton, Kimi Raikkonen và Robert Kubica. Hai chiếc Renault của Alonso và Piquet lần lượt ở vị trí thứ 12 và thứ 18.

Massa đã dẫn đầu vòng đua và bỏ xa các đối thủ một cách nhanh chóng trong những vòng đua đầu. Ảnh: The Race

Alonso đã có thể vượt được chiếc Toyota được đổ đầy nhiên liệu của Jarno Trulli để vươn lên vị trí thứ 11 ở vòng thứ 9. Nhưng chỉ 3 vòng sau, người ta nhìn thấy Alonso đi vào đường pit để thay lốp và tiếp nhiên liệu – một nước đi rất lạ thường, đặc biệt là với những ai phải xuất phát ở những vị trí thấp hơn.

Về mặt chiến thuật thì đây là một quyết định vô cùng khó hiểu với những ai đang theo dõi, nhất là khi anh quay trở lại trường đua ở vị trí cuối bảng.

Tuy nhiên ngay sau đó, tín hiệu bí mật đã được Renault đưa ra và Piquet đương nhiên là đã “gặp sự cố” tại khúc cua thứ 17, đúng như kịch bản đã đề ra ngay sau khi Alonso vào pit.

Va chạm một cách có chủ đích không phải là thứ mà người ta hay làm trên trường đua. Piquet đã cố giữ ga để làm trục sau mất đi độ bám, khiến cho chiếc xe không đụng vào tường rào bên phải mà quay 180 độ, cuối cùng va chạm với lớp rào bê tông phía còn lại của đường đua.

Piquet bước ra khỏi chiếc xe đua bị hỏng nặng. Ảnh: The Race

Thực ra Renault cũng đã rất lo lắng do cú đâm có vẻ mạnh hơn dự kiến, nhưng thật may là Piquet đã không gặp phải vấn đề gì.

Chiếc Red Bull của Mark Webber – đứng ở vị trí thứ 13 – là một trong số ba chiếc xe đã đi vào đường pit ngay trước khi xe an toàn được điều động và đường pit bị chặn.

Kubica và Nico Rosberg (lần lượt đứng thứ 4 và 10) bắt buộc phải vào pit do đứng trước nguy cơ hết nhiên liệu ngay giữa trường đua, chấp nhận chịu penalty thay vì phải dừng cuộc chơi.

Đường pit bị chặn trong suốt 3 lap sau đó. Tất cả các tay đua theo sau xe an toàn sát đến mức khi mà đường pit mở trở lại, ai cũng cố gắng vào box nhanh nhất có thể để không bị vượt bởi các đối thủ, tạo cơ hội cho Alonso nhảy cóc lên vị trí thứ 5 ngay trước Webber.

Tuy nhiên, đối với Massa, một chiến thắng dễ dàng lại biến thành thảm họa ngay trên trường đua chỉ trong tích tắc. Vì Kimi Raikkonen đang chờ đợi ở phía sau, Ferrari đã quá hoảng loạn mà vội vàng ra hiệu cho Massa rời box trong khi vòi bơm vẫn còn ở trên xe.

Khoảnh khắc vài giây trước thảm họa đường pit. Ảnh: The Race

Đến khi Massa được kỹ sư trưởng của mình ra tín hiệu dừng lại trên radio thì đã quá muộn. Anh đã lái tới tận cuối đường pit, khiến cho các thợ máy Ferrari phải đuổi theo, đẩy xe lại và tháo vòi bơm.

Sự việc không chỉ đẩy Massa xuống vị trí cuối cùng mà còn khiến anh phải chịu án phạt drive-through (lái thẳng qua đường pit mà không được vào box). Và thế là một chiến thắng từ pole đã biến thành vị trí áp chót chung cuộc, khiến bao công sức của anh trong tuần đua đó coi như “đổ sông đổ bể”.

Trong một diễn biến khác, Rosberg đang ở vị trí dẫn đầu (nhưng do vào pit trái phép nên thể nào cũng phải chịu penalty) với Trulli ở vị trí thứ 2, theo sau là Giancarlo Fisichella của Force India, Kubica, và Alonso.

Có vẻ như khi đó Alonso sẽ sớm dẫn đầu do những chiếc xe phía trước sớm muộn gì cũng phải lần lượt vào pit mà thôi.

Đối thủ duy nhất của anh lúc bấy giờ chỉ còn Mark Webber, với chiếc Red Bull được đổ đầy nhiên liệu không xa phía sau. Nhưng cơ hội đối đầu với Alonso của Mark lập tức tan biến khi chiếc xe quyết định vào hai số cùng một lúc (nguyên nhân là do sự nhiễu sóng bắt nguồn từ tàu điện ngầm nằm ngay dưới trường đua).

Sau khi vào pit lần thứ 2 đúng theo dự kiến, Alonso tiến thẳng tới chiến thắng mà không gặp phải bất kỳ trở ngại gì, theo sau là Rosberg và Hamilton. Khi đó, không ít người trong giới F1 nghi có điều gì đó mờ ám đang diễn ra trong nội bộ Renault, nhưng rốt cuộc thì không ai có đủ chứng cứ.

Nhưng suy cho cùng thì, nếu như Ferrari không làm hỏng pitstop đó thì Massa vẫn có cơ hội giành chiến thắng hoặc chí ít cũng bước lên podium, kể cả với “thủ thuật” có một không hai đó của Renault. Nếu như vậy thì Massa vẫn có thể tranh tài chức vô địch tại trường đua quê nhà đúng năm tuần sau.

Các thợ máy Ferrari khuân chiếc ống bơm bị hỏng về gara. Ảnh: The Race

Đây không phải lần đầu tiên Ferrari để xảy ra sự cố trên đường pit. Tại Valencia, Raikkonen cũng gặp phải tình huống tương tự với vòi tiếp nhiên liệu khiến cho một thợ máy bị thương. Còn Massa thì do tín hiệu đèn xanh quá sớm mà suýt va vào một chiếc Force India, khiến cho Ferrari phải chịu phí phạt không hề nhỏ.

“Sai một li đi một dặm” - Chính vì tín hiệu bị đưa ra quá sớm vài giây đó đã khiến Ferrari để lỡ mất cơ hội giành chiến thắng, thứ mà đến tận 15 năm sau họ vẫn còn theo đuổi trong vô vọng.

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Tay đua

Vì sao các tay đua F1 trông rất gầy?

Các tay đua F1 luôn có những chế độ đặc biệt để có thân hình gầy nhưng vẫn đảm bảo sức mạnh có thể thi đấu một cách tốt nhất. Tại sao họ cần phải gầy như vậy?

GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
102
2
sergio pérez
79
3
charles leclerc
71
4
carlos sainz
65
5
lando norris
55
6
oscar piastri
36
7
george russell
32
8
fernando alonso
31
9
lewis hamilton
12
10
lance stroll
9
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.