ĐĂNG NHẬP
Vì sao GP Nhật là minh chứng cho tiến triển vượt bậc của McLaren

Vì sao GP Nhật là minh chứng cho tiến triển vượt bậc của McLaren

Podium kép cho hai tay đua Lando Norris và Oscar Piastri đúng là một thành quả có ý nghĩa to lớn đối với đội đua đến từ Woking, Anh Quốc.

04 Tháng 10, 2023

Chặng đua tại Nhật Bản vừa qua là lần đầu tiên mà cả Lando Norris lẫn Oscar Piastri được trải nghiệm gói nâng cấp mới nhất trên chiếc MCL60 ở cùng một trường đua.

Max Verstappen (Red Bull) và George Russell (Mercedes) cũng đã lường trước được tính cạnh tranh của Norris nói riêng và McLaren nói chung trước thềm chặng đua đó.

“Khi nhìn vào những khúc cua tầm 230 km/h, McLaren nhanh một cách không tưởng”, Russell nhận định. “Họ nhanh hơn khoảng tầm 0,2 giây so với hầu hết tất cả các tay đua và 0,1 giây so với Red Bull ở những khúc cua đó.”

Vậy McLaren đã phát triển chiếc MCL60 ở những mảng nào mà lại khiến cho các đối thủ phải chú ý đến như vậy? Dựa trên những phân tích của Gary Anderson của tờ The Race, tác giả sẽ giải mã cho các độc giả Otoman những bí ẩn trong gói độ nâng cấp mới nhất của đội màu đu đủ trong mùa giải 2023.

1. Hành trình tìm lại vinh quang của McLaren

McLaren bắt đầu mùa giải hiện tại với vô vàn những khó khăn và một tinh thần không mấy lạc quan ngay từ trong buổi ra mắt công chúng đầu tiên. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó mà họ lại chính là đội đua phát triển nhanh và mạnh nhất so với tất cả các đối thủ còn lại.

Ở những chặng đua vừa qua, cứ mỗi khi đội kỹ thuật lắp đặt một gói nâng cấp tầm cỡ như của McLaren tại chặng GP Áo, họ sẽ phải mất một thời gian để có thể nghiên cứu. Họ còn phải tùy chỉnh những chi tiết khí động học nhỏ còn lại trên xe để có thể phát huy hết tiềm năng của chiếc MCL60.

Tại chặng GP Singapore, McLaren không chỉ cho ra mắt một màu sơn phiên bản đặc biệt mà còn mang theo một loạt những chi tiết mới đã được nghiên cứu và cải tiến.

Nó mở ra cơ hội cho Lando Norris giành được podium sau khi anh cùng Carlos Sainz phối hợp ăn ý nhằm giữ chiếc McLaren trong tầm DRS đằng sau chiếc Ferrari SF23, để có thể cắt đuôi 2 chiếc Mercedes phía sau.

Kể từ chặng GP Áo, cứ mỗi 1-2 tuần đua là McLaren lại cho ra một bản cập nhật mới cho các tay đua của họ. Để có thể lắp đặt và thử nghiệm kịp thời các chi tiết mới, cũng như so sánh kết quả giữa 2 phiên bản trước và sau thay đổi, xe của Lando Norris luôn được nâng cấp sớm hơn 1 chặng đua so với tân binh Oscar Piastri.

Khi so sánh giữa 2 phiên bản xe của 2 tay đua, có thể thấy sức đua giữa 2 xe chênh lệch nhau dao động từ 0,3 đến 0,4 giây tùy vào đặc tính trường đua.

Vẻ bề ngoài không mấy khác biệt giữa 2 xe cho thấy một sự thật là ta không thể có một giải pháp thần kì nào để cho xe nhanh hơn. Thay vào đó chiếc xe phải được nâng cấp một cách tổng thể và giữa các bản cập nhật với nhau phải có một sự liên kết nhất định thì mới có thể cho ra đời một chiếc xe mang tính cạnh tranh cao.

Singapore GP là chặng đua cuối cùng mà Piastri vẫn còn lái chiếc xe cũ hơn một phiên bản so với của Norris. Do đó, đây là chặng đua thích hợp để so sánh các chi tiết kỹ thuật giữa 2 gói nâng cấp khác nhau, do Piastri cuối cùng cũng đã nhận được gói nâng cấp đúng như của đồng đội mình tại chặng đua tại Suzuka 1 tuần sau đó.

So sánh giữa chiếc MCL60 của Lando Norris (số 4) và Oscar Piastri (số 81) tại Singapore. Ảnh: The Race

Cánh gió trước là một trong những chi tiết mới được cải tiến chỉ vài chặng đua trước, nên sự tương đồng giữa 2 phiên bản cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, có thể thấy được phần sàn xe phía sau (được đánh dấu bởi hình oval màu xanh) đã được thay đổi nhằm kiểm soát luồng gió hướng vào bên trong lẫn ngoài mép sàn xe.

Khi nhìn trực diện phần cánh gió trước thì mới có thể thấy tấm đuôi cánh ở phần bên bộ phận mới có phần được uốn hướng ra phía ngoài hơn trước, giúp đẩy luồng gió đi vòng quanh 2 lốp trước nhằm giảm bớt lực cản cũng như sự xáo trộn mà chúng gây ra.

Không chỉ có vậy, phần sơn flow vis (loại sơn được dùng để nghiên cứu luồng chuyển động của không khí trong khí động học) cho thấy được công dụng của phần mặt cánh trước. Đó là đẩy luồng khí sâu vào trong khu vực giữa nón mũi và lốp trước của xe, đi qua hệ thống treo trước và đi vào hầm gió cũng như sidepod của xe.

Chi tiết cánh gió cũ (trên) và mới (dưới, có flow vis) của 2 xe. Ảnh: The Race

Bộ phận cánh chia luồng gió (splitter) ở ngay trước hầm gió bên (được đánh dấu bởi đường viền màu đỏ) đã được làm thấp xuống và đặt phía sâu hơn bên trong giúp làm giảm sức ảnh hưởng của chi tiết này đối với luồng gió phía trên bền mặt sàn xe.

Tuy góc nhìn giữa 2 ảnh có phần khác nhau, ta vẫn có thể thấy rằng cánh chia gió phía rìa ngoài (được đánh đấu bằng rìa màu xanh lá) một lần nữa được đặt thấp hơn và lần này là song song với hình dán của hãng DeWALT như trong ảnh.

Không chỉ có vậy, phần rìa phía dưới cũng được uốn cong theo một chiều hướng khác có phần ngoằn ngoèo hơn (được đánh dấu bằng đường viền màu xanh dương), tạo ra một góc nhọn rõ rệt so với phần sau của mép sàn xe.

So sánh giữa chi tiết cánh chia gió cũ (trên) và mới (dưới). Ảnh: The Race

Tất cả những chi tiết trên đã giúp họ có thể phát huy tối đa tiềm năng của cánh gió trước cũng như là hiệu quả của mép sàn xe phía sau. Có vẻ như McLaren đã không cần phải quá tỉ mỉ với những chi tiết cánh chia để mà làm thay đổi hướng gió, giúp họ bảo toàn được vận tốc tối đa cũng như sức di chuyển của chính dòng khí ấy.

Chạy dọc theo cánh gió ấy là những chi tiết trọng tâm của chiếc xe. Hầm gió hai bên xe mà càng được đóng kín thì downforce ngày càng cao, từ đó làm tăng đáng kể độ bám đường cho xe.

Nhưng điều quan trọng ở đây là hầm gió phải kín về mặt khí động học chứ không phải là về mặt vật lí. Nếu có một chi tiết vật lí đóng kín sàn xe, nó sẽ chỉ có 2 trạng thái tuyệt đối là kín hoặc không kín.

Tuy nhiên, nếu nó được “đóng kín” thông qua các luồng gió với nhau, nó sẽ được thay đổi từ từ như là một núm vặn hay một biểu đồ đường cong.

Trên phiên bản sàn xe cũ hơn, phần cánh gió phía mép sàn xe (đánh dấu màu đỏ) thay đổi khá là đột ngột và cũng khá là ngắn. Phần mép uốn cong ở giữa và phần cắt vuông góc ở phía sau có phần hơi lạc lõng so với phần sàn còn lại, làm chia đôi phần luồng gió trên bề mặt dưới sidepod thành 2 dòng khí khác nhau (như mũi tên màu xanh dương trong hình)

Phiên bản mới được cải tiến có phần dài hơn và đồng nhất hơn với phần còn lại của mép sàn xe. Đồng nghĩa với việc hiệu quả hoạt động của bộ phận này sẽ cao hơn hẳn so với trước, trực tiếp ảnh hưởng đến luồng gió phía dưới mép sàn xe (được đánh dấu bởi một loạt các mũi tên màu vàng).

Sidepod và sàn xe cũ (bên trái) so với mới (bên phải). Ảnh: The Race.

Từ đó, chi tiết mới này tuy nhỏ nhưng đã phối hợp ăn ý với phần cắt dưới của sidepod (undercut) nhằm hướng toàn bộ luồng gió trên bề mặt sàn trước (mũi tên màu xanh lá) thành một dòng khí lớn hướng xuống dưới sàn xe, ra hẳn phía ngoài mép và di chuyển vòng qua hai lốp sau.

Kết quả có được tại chặng đua tại Suzuka vừa qua thể hiện tài năng của 2 tay đua trẻ cũng như nỗ lực không ngừng của tất cả các thành viên đội McLaren nhằm biến chiếc MCL60 thành một đối thủ đáng gờm, dám cạnh tranh với cả chiếc RB19 của Adrian Newey và Red Bull.

Trường đua Suzuka với những khúc cua tốc độ thoáng ở tốc độ cao đã tạo thuận lợi cho cả 2 tay đua, giúp cho họ có thể tận dụng hết khả năng sản sinh lực bám từ dưới thân xe (underbody downforce) và về đích chung cuộc ở vị trí thứ 2 và 3, chỉ ngay đằng sau Max Verstappen – tay đua hiện đang thống trị F1 ở thời điểm hiện tại.

Phải chăng tầm nhìn vươn lên tranh tài chức vô địch F1 vào năm 2024 của Zak Brown từ 2 năm trước không còn là quá xa vời?

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Kỹ thuật
GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
102
2
sergio pérez
79
3
charles leclerc
71
4
carlos sainz
65
5
lando norris
55
6
oscar piastri
36
7
george russell
32
8
fernando alonso
31
9
lewis hamilton
12
10
lance stroll
9
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.