ĐĂNG NHẬP
Sergio Pérez – Từ tay đua hạng trung đến người hùng của Red Bull

Sergio Pérez – Từ tay đua hạng trung đến người hùng của Red Bull

Nhìn lại sự nghiệp đầy thăng trầm của tay đua người Mexico, một trong những ‘con bài’ quan trọng của Red Bull.

04 Tháng 07, 2022

Khi nói về sự thành công của Red Bull Racing tại F1 trong 2 năm gần đây, nhiều người chắc chắn sẽ đề cập đến Max Verstappen đầu tiên.

Tuy vậy, có lẽ tay đua người Hà Lan sẽ khó mà lên được ngôi vương nếu không có những đóng góp thầm lặng của “Checo” Pérez. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của tay đua người Mexico rất được yêu mến này nhé!

1. Sự nghiệp của Sergio Pérez trước khi đến với F1

Sergio Pérez – tên đầy đủ là Sergio Michel “Checo” Pérez Mendoza – sinh ngày 26/1/1990 tại Guadalajara, Mexico. Năm 6 tuổi, Pérez đã biết đến thể thao tốc độ khi bắt đầu đua xe tại những giải go-kart địa phương.

Ngay trong năm đầu thi đấu, anh đã bộc lộ được tài năng của mình khi giành tới 4 chiến thắng cùng ngôi á quân. Và ở mùa sau đó, anh thống trị toàn giải với 8 chiến thắng chặng, đồng thời trở thành tay đua trẻ nhất lên ngôi vô địch.

Sau đó, Pérez chuyển lên thi đấu tại giải Shifter Championship. Trong 3 mùa giải từ 1999 - 2003, anh đã có được thêm một chức vô địch nữa ở hạng đua 150 cc (vào năm 2001) và một lần đạt danh hiệu á quân (một năm sau đó). Thành công này đã giúp anh lọt vào “mắt xanh” của đội Escuderia Telmex, do tỷ phú Carlos Slim đứng đầu. Telmex cũng chính là nhãn hiệu tài trợ cho Checo khi anh tham dự giải Skip Barber National Championship vào năm 2004, nơi anh về thứ 11 chung cuộc.

Líder Empresarial

Năm 2005 đánh dấu bước chuyển biến lớn trong sự nghiệp của Pérez khi anh được sang châu Âu thi đấu, bắt đầu từ giải Formula BMW của Đức. Nhưng điều đáng chú ý hơn là tay đua người Mexico đã phải tự liên lạc với các đội đua của giải để thuyết phục họ chiêu mộ anh.

Thật may mắn khi Checo đã tìm được 1 đội đua “vừa túi tiền” của bản thân. Thế là chàng trai người Mexico đi sang “lục địa già” một mình trên tấm vé một chiều không có đường quay lại. Anh đã phải ăn ở tại một nhà hàng do quản lý của đội làm chủ trong suốt 4 tháng đầu tại đất nước mới.

Nhưng quyết định này lại là đúng đắn cho sự phát triển của Checo. Sau khi đạt hạng 6 tại Formula BMW năm 2006, anh chuyển đến giải Công Thức 3 của Anh (British Formula 3) vào năm 2007. Ngay mùa đầu tiên của mình tại đây, anh đã vô địch giải đấu hạng National (dành cho xe có khung gầm cũ hơn), trước khi về thứ tư tại hạng đua cao nhất International.

Thành công nói trên giúp Pérez có được cơ hội tham dự GP2 Series (tiền thân của Công Thức 2 bây giờ). Đây thường là nơi ươm mầm tài năng của các tay đua trẻ để chuẩn bị cho đấu trường khốc liệt nhất mang tên Formula 1.

Eurosport

Trong năm 2010, Pérez giành tới 5 chiến thắng chặng, qua đó có được ngôi vị á quân của giải. Tuyệt vời hơn, thấy được tiềm năng của tay đua trẻ này, đội đua trứ danh nước Ý – Ferrari đã quyết đinh ký hợp đồng đào tạo trẻ với Pérez, mở toang cánh cửa giúp anh gia nhập F1.

2. Đội Sauber – 2011

Mùa giải 2011 chứng kiến chàng trai 21 tuổi người Mexico ra mắt làng đua F1 trong màu áo của Sauber (một đội đua dùng động cơ của Ferrari). Ngay ở chặng đua đầu tiên tại Úc, Perez đã xuất sắc cán đích ở vị trí P7. Nhưng đáng tiếc là anh đã bị truất thành tích do chiếc C30 của mình đã vi phạm các quy tắc kỹ thuật của giải.

Dù vậy, Pérez sau đó đã tái lập được thành tích này ở chặng GP Anh. Ngoài ra, tân binh người Mexico còn có thêm 4 lần nữa xuất hiện trong top 10, trước khi kết thúc mùa giải với 14 điểm và xếp hạng 16 chung cuộc. Có thể nói, khởi đầu của Pérez tại F1 là tương đối ổn, thế nhưng 2012 mới là một trong những mùa giải mà “Checo” thi đấu thăng hoa nhất.

Formula 1

Trong mùa giải này, anh có được cho mình 3 podium, trong đó có 2 lần về nhì ở Malaysia và Monza. Thậm chí nếu không mắc lỗi ở Sepang (Malaysia) trong những lap cuối cùng (khi đang bám đuổi Alonso), Pérez hoàn toàn có thể có cơ hội để đứng ở vị trí cao nhất trên bục trao giải. Anh kết thúc mùa giải thứ 2 của mình với 66 điểm cùng hạng 10 trên bảng xếp hạng tổng.

3. Đội McLaren – 2013

Màn trình diễn ấn tượng của mùa giải 2012 giúp “Checo” lọt vào tầm ngắm của các đội đua nhóm đầu. Cuối cùng, McLaren đã nhanh hơn tất cả để có được sự phục vụ của người được kỳ vọng sẽ là sự thay thế xứng đáng cho Lewis Hamilton (gia nhập Mercedes từ 2013).

Nhưng đâu ai biết rằng, đó lại là những năm tháng “đen tối” nhất trong sự nghiệp của Pérez.

Chiếc xe tệ thực sự.
Sergio Pérez

Không chỉ có mỗi chiếc xe, mối quan hệ giữa anh và McLaren cũng chẳng khá hơn là bao. Việc thi đấu cùng người đồng đội – và cũng từng là nhà vô địch thế giới – Jenson Button lại khiến cho 2 tay đua xảy ra nhiều tranh chấp và xung đột trên đường đua.

Planet F1

Mâu thuẫn giữa anh và các thành viên trong đội lớn đến nỗi mùa giải thậm chí còn chưa kết thúc thì McLaren đã thông báo sẽ không còn đồng hành với tay đua người Mexico chỉ sau một mùa giải. Suốt quãng thời gian tại McLaren, Pérez chỉ có được 49 điểm, kém xa những gì anh đạt được ở mùa trước đó với Sauber.

4. Đội Force India – 2014

Không thể tỏa sáng ở một đội đua top đầu, lựa chọn duy nhất cho “Checo” là trở lại với các đội tầm trung. Đây là lý do anh gia nhập Force India – đội luôn được biết đến như “học sinh nghèo vượt khó” khi luôn đạt kết quả cao dù có ngân sách hạn chế.

Pérez như “cá gặp nước” khi được thi đấu ở một vị trí không quá áp lực. Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2016, “Checo” đã đem về toàn bộ 4 podium cho đội đua nước Ấn, dù trước đó đội này mới chỉ có một podium duy nhất. Ngoài ra, Pérez cũng góp công lớn cho chiến tích xếp hạng tư trên bảng xếp hạng đội đua của Force India năm 2016, thành tích tốt nhất trong lịch sử mà họ đạt được.

Good Fon

Bước sang năm 2017, vị thế ngôi sao của đội do Pérez nắm giữ bị ảnh hưởng dữ dội sau sự xuất hiện của tài năng trẻ Esteban Ocon. Với việc có một ngôi sao trẻ đang lên, kết hợp với một tay đua giàu kinh nghiệm và luôn muốn thể hiện tầm ảnh hưởng, Force India đã có một mùa giải phải “đau đầu”.

Pérez và Ocon đụng độ với nhau không dưới 3 lần trên đường đua trong năm đó. Tuy vậy, bất chấp sự cạnh tranh nảy lửa, tay đua người Mexico vẫn cho thấy được bản lĩnh của mình thông qua việc giành được 100 trong tổng số 187 điểm của đội, qua đó giúp đội đua nước Ấn một lần nữa xếp hạng tư chung cuộc.

Sky Sports

Năm 2018, Pérez vẫn thể hiện vai trò thủ lĩnh của mình. Anh có podium đầy bất ngờ khi về đích ở vị trí P3 tại chặng đua đầy biến động ở Baku. Nhưng ít ai ngờ rằng, đây lại là dấu ấn cuối cùng của Force India tại F1. Cuối tháng 7 năm đó, Force India chính thức rơi vào tình trạng bị kiểm soát, không còn có thể hoạt động nếu như không tìm được chủ mới.

5. Đội Racing Point – 2018

Lawrence Stroll – tỷ phú người Canada, đồng thời là cha của tay đua Lance Stroll – đã mua lại toàn bộ tài sản của Force India và đổi tên đội thành Racing Point Force India. Toàn bộ số điểm đội kiếm được ở giai đoạn trước đã bị xóa bỏ do đây đã được tính là đội đua mới.

Dù phải bắt đầu lại từ con số 0, Pérez đã rất nỗ lực để có được kết quả tốt. Và với 9 chặng còn lại ở nửa sau mùa giải, anh đóng góp tới 35 trong tổng số 52 điểm của đội. Đây chắc chắn cũng không phải là một con số tồi.

Racing Point Force India chính thức trở thành Racing Point kể từ năm 2019, và con trai ông chủ Lawrence – Lance Stroll chuyển sang khoác áo đội đua này. Tuy phải thi đấu bên cạnh “con trai sếp tổng”, Pérez vẫn khẳng định được vai trò không thể thay thế trong đội. Con số 52 điểm mà anh kiếm được (so với 21 của Lance Stroll) có lẽ là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Formula 1

Mùa giải năm 2020 sau đó lại đầy biến động với sự nghiệp của tay đua sinh năm 1990. Đầu tiên phải kể đến là việc đội đua Racing Point của anh bị phạt 400 nghìn euro và bị trừ 15 điểm trên bảng xếp hạng đội đua. Lý do là bởi vì chiếc RP20 đã “copy” quá nhiều chi tiết trên chiếc Mercedes W10 (vô địch năm 2019).

Biến cố lớn nhất của Pérez xảy ra khi đội đua Racing Point xác nhận sẽ không tiếp tục gia hạn hợp đồng với anh. Thay vào đó, họ đưa Sebastian Vettel về cho mùa giải năm 2021. Điều đáng buồn là, đây lại là những gì “Checo” phải nhận lại sau nhiều năm gắn bó với đội đua kể từ khi còn mang tên Force India. Anh đã đem về những thành tích cao quý nhất cho đội, thậm chí đã tự kiện chính đội đua Force India để họ được đổi chủ mới.

Hành động này của anh đã phần nào giúp cho các nhân viên của đội không còn nằm trong tình cảnh bị nợ lương trong nhiều tháng. Nhưng tệ hơn, từ chỗ là tay đua ổn định nhất ở nhóm giữa, Pérez nhiều khả năng sẽ phải làm khán giả nếu không đội đua nào có ý định chiêu mộ anh.

Thế nhưng như người ta vẫn nói, trong cái rủi lại có cái may. Cùng thời điểm đó, Red Bull Racing đang không hài lòng với phong độ chẳng mấy ấn tượng của Alexander Albon. Ngay lập tức, những thông tin về việc đội đua nước Áo muốn làm việc với Pérez trong mùa giải 2022 xuất hiện trên khắp mặt báo. Lúc này, “Checo” biết rõ hơn ai hết rằng mình cần phải có được kết quả tốt để gây ấn tượng không chỉ với Red Bull, mà cả các đội còn lại. Và anh đã làm được nhiều đó trong phần còn lại của mùa giải.

ESPN

Nếu như thành tích về đích ở vị trí P2 tại Thổ Nhĩ Kỳ chưa đủ để gây ấn tượng thì những gì diễn ra tại Bahrain thực sự đãgiúp anh tạo được tiếng vang. Sau khi rơi xuống cuối đoàn ngay từ lap đầu (sau va chạm với Leclerc), Pérez đã có màn nước rút ngoạn mục để leo lên vị trí P3. Chưa dừng lại ở đó, may mắn đã mỉm cười với anh khi sai lầm trong việc thay lốp đã khiến bộ đôi của Mercedes (Russell và Bottas) tụt lại phía sau.

Kết quả là, lần đầu tiên trong 190 chặng đua mà anh từng xuất phát, “Checo” được nếm trải hương vị của chiến thắng – hương vị của vị trí cao nhất trên bục podium.

6. Đội Red Bull – 2021

Chiến thắng tại GP Sakhir đã minh chứng cho mọi người thấy Sergio Pérez hoàn toàn đủ đẳng cấp để thi đấu cho một đội đua ở nhóm đầu. Và chỉ vài ngày sau khi mùa giải 2020 khép lại, tay đua người Mexico chính thức được công bố là tay đua thứ hai của Red Bull trong năm 2021, bên cạnh Max Verstappen.

Bất chấp thất bại của những “người tiền bối” là Pierre Gasly và Alexander Albon, Pérez tự tin khẳng định rằng anh chỉ cần 6 chặng đua để làm quen với chiếc xe mới. Quả nhiên là vậy, chặng thứ 6 của mùa giải 2021 tại Baku (Azerbaijan), Sergio Pérez đã có được chiến thắng đầu tiên trong màu áo của “những chú bò húc”.

Trong phần còn lại của mùa giải, dù không thể lặp lại được thành tích nói trên, anh vẫn đóng góp một vai trò quan trọng trong chức vô địch thế giới của Max Verstappen. Đặc biệt, chúng ta đều đã biết đến pha kìm chân Lewis Hamilton tuyệt vời ở chặng đua hạ màn tại Abu Dhabi – điều đã khiến Max thậm chí phải thốt lên trên radio: “Checo là một huyền thoại!”

Motorsport

Pérez tiếp tục được giữ lại trong mùa giải 2022, và tay đua số 11 vẫn chứng minh cho Red Bull thấy đây là quyết định đúng đắn.

Cho đến thời điểm này của mùa giải (thời điểm bài viết này được viết), “Checo” đang đứng ở vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng tay đua, sau người đồng đội Max Verstappen. Anh có 6 lần đứng trên bục podium, trong đó có 1 chiến thắng và 5 lần về nhì, cùng lần dành pole đầu tiên trong sự nghiệp ở Jeddah (GP Ả Rập Saudi).

Những thành tích trên đã giúp cho chàng trai nay đã bước sang tuổi 32 được tưởng thưởng một cách xứng đáng bằng một bản hợp đồng mới kéo dài ít nhất đến hết năm 2024.

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Tay đua

Vì sao các tay đua F1 trông rất gầy?

Các tay đua F1 luôn có những chế độ đặc biệt để có thân hình gầy nhưng vẫn đảm bảo sức mạnh có thể thi đấu một cách tốt nhất. Tại sao họ cần phải gầy như vậy?

26 Tháng 06, 2023
GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
77
2
sergio pérez
64
3
charles leclerc
59
4
carlos sainz
55
5
lando norris
37
6
oscar piastri
32
7
george russell
24
8
fernando alonso
24
9
lewis hamilton
10
10
lance stroll
9
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.