ĐĂNG NHẬP
Những câu chuyện ‘cổ tích’ trong lịch sử của F1

Những câu chuyện ‘cổ tích’ trong lịch sử của F1

Aston Martin đang tự viết nên câu chuyện cổ tích của riêng mình trong mùa giải năm nay. Trong quá khứ, điều này cũng không phải là chưa từng có tiền lệ.

20 Tháng 04, 2023

Aston Martin đang trở thành tiêu điểm sau 3 chặng đua đầu tiên của mùa giải 2023, khi Fernando Alonso liên tục lọt vào vị trí Podium - một sự cải thiện đáng kể so với thành tích của họ vào năm ngoái. Trong quá khứ, những “hiện tượng” tương tự không hề hiếm gặp.

Graham Hill và BRM là một sự kết hợp hoàn hảo trong mùa giải 1962. Ảnh: Formula 1

1. BRM – 1962

  • Mùa giải 1961: Đứng thứ 5 - 7 điểm
  • Mùa giải 1962: Vô địch - 4 chiến thắng - 42 điểm

BRM đã trải qua những năm 1950 đầy khó khăn để tìm ra sự cân bằng giữa hiệu suất và độ tin cậy. Sau đó, với số điểm tích lũy được cùng một vài podium, và quan trọng là chiến thắng đầu tiên đã cho thấy mọi thứ đang diễn ra đúng hướng. Tuy nhiên, để gia nhập vào các đội đua hàng đầu thì cần phải tiến thêm một bước nữa.

Jack Brabham đã điều khiển chiếc xe mang tên mình để giành chức vô địch thế giới F1. Ảnh: Formula 1

Bước tiến đó đến vào năm 1962 khi phiên bản cập nhật của chiếc P57 do Graham Hill và Richie Ginther cầm lái đã cho phép BRM đối đầu với Lotus và các nhà vô địch trước đó của Cooper. Hill đã có tới 4 chiến thắng và giành lấy danh hiệu vô địch cá nhân trong năm đó, trong khi BRM giành được giải dành cho đội đua xuất sắc nhất.

2. Brabham – 1966

  • Mùa giải 1965: Đứng thứ 3 - 27 điểm
  • Mùa giải 1966: Vô địch - 4 chiến thắng - 42 điểm

Sau khi giành hai chức vô địch liên tiếp cho Cooper vào các năm 1959 và 1960, Jack Brabham thành lập một đội đua riêng mang tên mình trước mùa giải 1962. Tuy nhiên, trong 4 mùa giải sau đó, tay đua người Úc chỉ đạt được 4 podium, trong khi đồng đội của ông là Dan Gurney đã có những thành tích nổi bật hơn.

Đến năm 1966, chiếc BT19 đã vượt lên trên các thiết kế trước đó. Brabham lúc này cùng chiếc ‘Old Nail’ do chính ông đặt tên đã đạt 4 chiến thắng liên tiếp giữa mùa giải, lập nên cú đúp chức vô địch và trở thành tay đua đầu tiên và duy nhất cho tới hiện nay giành chức vô địch cùng một chiếc xe mang tên của mình.

3. Ferrari – 1970

  • Mùa giải 1969: Đứng thứ 6 - 7 điểm
  • Mùa giải 1970: Đứng thứ 2 - 4 chiến thắng - 52 điểm

Vào giữa những năm 1960, Ferrari đã giành được sáu chức vô địch tay đua và hai chức vô địch đội đua. Nhưng đến những năm cuối thập kỷ này, đội đua nước Ý chỉ có vỏn vẹn vài danh hiệu podium, dẫn đến mức điểm thấp nhất là 7 điểm vào năm 1969 và đứng thứ 6.

Tuy nhiên, một kỷ nguyên mới đánh dấu sự trở lại của Ferrari khi mẫu 312B được cải tiến trang bị động cơ phẳng 12 xi-lanh “boxer” do Mauro Forghieri phát triển. Chiếc xe đã mang lại ba chiến thắng với tay đua Jacky Ickx và một chiến thắng khác với Clay Regazzoni, đưa đội lên vị trí thứ hai sau nhà vô địch Lotus.

Jacky Ickx đã giành được ba trong số bốn chiến thắng của Ferrari vào năm 1970. Ảnh: Formula 1

Scuderia cũng lặp lại chu kỳ khi đạt được thành tích tương tự vào cuối thập kỷ, khi chỉ giành được 12 điểm và xếp hạng thứ sáu vào năm 1973. Nhưng mẫu xe 312 B3-74 được cập nhật và điều khiển bởi Niki Lauda và Regazzoni đã giúp đội trở lại cuộc đua trong năm 1974, mở đường cho một loạt các chức vô địch từ năm 1975-1977.

4. McLaren – 1972

  • Mùa giải 1971: Đứng thứ 6 - 10 điểm
  • Mùa giải 1972: Đứng thứ 3 - 1 chiến thắng - 47 điểm

Sau khi giành ngôi á quân chỉ sau mùa giải thứ ba của họ tại F1 vào năm 1968, McLaren đã phải chấp nhận chỉ có duy nhất một chiến thắng và vỏn vẹn được một vài danh hiệu podium từ năm 1969 đến 1971. Những nỗ lực vô địch đều trở nên xa vời khi Tyrrell, BRM, Ferrari, March và Lotus đều liên tục dẫn đầu.

Tuy nhiên, chiến dịch năm 1972 đã đánh dấu cú chuyển mình với sự tiến bộ nhanh chóng của McLaren nhờ chiếc M19A - chiếc xe với thiết kế buồng lái hình lê táo tạo nên biệt danh “Alligator Car”.

Chiến thắng ở vòng đua thứ hai và sự ổn định trên bục podium đã giúp McLaren từ vị trí thứ sáu vươn lên thứ ba trong bảng xếp hạng, điều mà họ sẽ lặp lại vào năm sau.

Mùa giải 1972 của McLaren là một bước đệm quan trọng trên con đường đến với danh hiệu thành công của họ. Ảnh: Formula 1

Sự tiến bộ của McLaren với M19A và phiên bản M19C sau đó có thể không đủ để giành chức vô địch. Nhưng rõ ràng là nó đã giúp đội trở lại vị trí dẫn đầu và đặt nền tảng cho chức vô địch đầu tiên của họ vào năm 1974.

5. Lotus – 1977

  • Mùa giải 1976: Đứng thứ 4 - 1 chiến thắng - 29 điểm
  • Mùa giải 1977: Đứng thứ 2 - 5 chiến thắng - 62 điểm

Lotus đã giành được một vài chức vô địch trong thập niên 1960 và đầu những năm 1970, ban đầu là Jim Clark, tiếp theo là Graham Hill, sau đó là Jochen Rindt và Emerson Fittipaldi. Thành tích này là nhờ vào các thiết kế tiên tiến, đặc biệt là với chuyên gia kỹ thuật - Colin Chapman, đã liên tục đẩy các bản thiết kế tới giới hạn của nó.

Sau một thời gian khó khăn vào giữa những năm 1970, đội lại vươn lên đầu bảng một lần nữa với thiết kế cách mạng mang tên Lotus 78. Đây là chiếc xe áp dụng hiệu ứng đất đầu tiên tham gia F1, cung cấp mức độ bám đường chưa bao giờ thấy trước đó, đồng thời cũng là khởi đầu cho một xu hướng mới giữa các đội đua có đủ khả năng để mô phỏng công nghệ này.

Trong khi mùa giải 1976 chỉ có duy nhất một chiến thắng thì ngay năm sau đó, Lotus đã giành được đến năm chiến thắng với Mario Andretti và Gunnar Nilsson với chiếc xe hoàn toàn mới được ra mắt vào năm 1977, nâng điểm số của đội cao hơn gấp đôi.

Lotus 78 là một trong những chiếc xe sáng tạo nhất trong lịch sử F1. Ảnh: Formula 1

Andretti và Lotus đã tiến xa hơn vào năm 1978 bằng cách hoàn thiện thiết kế và sau đó thay thế nó bằng chiếc xe cấp tiến 79 – thời điểm mà cả tay đua và đội đua đều giành được chức vô địch.

6. Williams – 1979

  • Mùa giải 1978: Đứng thứ 9 - 11 điểm
  • Mùa giải 1979: Đứng thứ 2 - 5 chiến thắng - 75 điểm

Mùa giải đầu tiên vào năm 1977 của Williams kết thúc khi thậm chí còn không giành nổi một điểm. Thành tích năm kế tiếp cũng không khá khẩm hơn khi họ chỉ đạt được 11 điểm, rõ ràng hy vọng chiến đấu với các đội đua còn lại dường như còn rất xa.

Tuy nhiên, người sáng lập đội, Frank Williams, và đồng nghiệp kỹ thuật là Patrick Head đã có những ý tưởng khác. Tận dụng tốt sự hỗ trợ mới từ hãng hàng không Ả Rập Xê-út, Williams giới thiệu mẫu xe FW07 vào năm 1979 sau năm chặng, đội đã giành được chiến thắng đầu tiên tuyệt đẹp tại GP Anh. Trên đà đó, Williams lại có thêm 4 chiến thắng trong mùa giải năm kế tiếp.

Williams đã tăng bảy bậc trong bảng xếp hạng các đội đua vào năm 1979. Ảnh: Formula 1

Chức vô địch là điều không thể không có được, Alan Jones và Williams đã giành chức vô địch vào 2 năm liên tiếp là 1980 và 1981. Đây cũng là dấu mốc cho sự khởi đầu của bảy chức vô địch tay đua và chín chức vô địch đội đua mà họ sẽ giành được trong những năm 1980 và 1990.

7. McLaren – 1988

  • Mùa giải 1987: Đứng thứ 2 - 3 chiến thắng - 78 điểm
  • Mùa giải 1988: Vô địch - 15 chiến thắng - 199 điểm

Sự khác biệt giữa MP4/3 với MP4/4, và MP4/4 với phần còn lại của F1 đơn giản là sự đáng kinh ngạc. Là một trong những thiết kế phức tạp nhất của McLaren, với động cơ Honda, cặp tay đua mới là Alain Prost và Ayrton Senna... Tất cả đã cùng nhau tạo nên mùa giải thống trị gần như tuyệt đối chưa từng có trong lịch sử F1.

McLaren đã mang đến một mùa giải hoàn toàn thống trị với MP4/4. Ảnh: Formula 1

Với thành tích giành pole và chiến thắng tại hầu hết các chặng đua, chỉ trừ duy nhất một chặng, McLaren kết thúc với khoảng cách tới 134 điểm so với đối thủ, đủ để Senna và Prost có thể tự do cạnh tranh cho chức vô địch tay đua với nhau.

8. McLaren – 1998

  • Mùa giải 1997: Đứng thứ 4 - 3 chiến thắng - 63 điểm
  • Mùa giải 1998: Vô địch - 9 chiến thắng - 156 điểm

Trải qua 10 năm kể từ mùa giải thành công nhất với động cơ Honda, McLaren giờ đây lại phải tiếp tục đi tìm lại chính mình khi liên tục chỉ đứng thứ tư trong giai đoạn 1994-1997. Bước ngoặt chính là việc chiêu mộ thiên tài thiết kế Adrian Newey từ Williams, chiếc MP4/13 đã đưa McLaren trở lại cuộc đua.

Adrian Newey đã giúp McLaren trở lại phong độ cạnh tranh vào cuối những năm 1990. Ảnh: Formula 1

Mika Hakkinen đã giành chiến thắng trước đối thủ là Michael Schumacher của Ferrari suốt cả mùa giải để giành danh hiệu vô địch tay đua, trong khi McLaren đã giành lại được chiếc cúp dành cho đội đua - lần đầu tiên kể từ năm 1991 ở cả hai hạng mục.

9. BAR Honda – 2004

  • Mùa giải 2003: Đứng thứ 5 -26 điểm
  • Mùa giải 2004: Đứng thứ 2 - 119 điểm

BAR đã trải qua mùa giải đầu tiên đầy khó khăn tại F1 khi họ kết thúc mùa giải 1999 mà không có điểm số nào, cùng với một loạt sự cố phải rút lui. Tuy nhiên, việc liên kết với động cơ Honda cho năm 2000 và các năm tiếp theo mang lại rất nhiều hy vọng, bao gồm cả điểm số và cả những danh hiệu podium đầu tiên.

Jenson Button và BAR Honda đã lấp đầy tủ danh hiệu của họ trong chiến dịch năm 2004. Ảnh: Formula 1

Sau những cải thiện ban đầu, phải đến tận mùa giải 2004, BAR mới có thể leo lên vị trí thứ hai với chiếc 006 đã được cải tiến nhiều hơn. Trong mùa giải năm đó, Jenson Button đã mang về cho BAR đến 10 danh hiệu podium.

10. BMW Sauber – 2007

  • Mùa giải 2006: Đứng thứ 5 - 36 điểm
  • Mùa giải 2007: Đứng thứ 2 - 101 điểm

Với thành tích tốt nhất là 34 điểm trong 13 năm hoạt động như một đội độc lập, BMW Sauber sau khi đổi tên cùng với chiếc xe F1.07 mới đã phá kỷ lục đó bằng cách ghi được 101 điểm trong suốt năm 2007, khi Nick Heidfeld hoàn thành ở vị trí thứ hai ấn tượng sau Lewis Hamilton của McLaren tại GP Canada.

Sauber trở thành một thế lực khi họ liên kết với BMW. Ảnh: Formula 1

11. Red Bull – 2009

  • Mùa giải 2008: Đứng thứ 7 - 29 điểm
  • Mùa giải 2009: Đứng thứ 2 - 6 chiến thắng - 153.5 điểm

Trong quá khứ, McLaren đã hưởng lợi từ thiên tài Newey. Sau này, Red Bull đã làm điều tương tự bằng cách đưa anh từ Woking đến Milton Keynes vào mùa đông năm 2005. Sau vài mùa giải để thích nghi với môi trường mới, sự thay đổi về quy tắc năm 2009 đã mang đến một cơ hội vàng cho Red Bull.

Mặc dù Brawn GP là đội được đánh giá cao hơn, Red Bull đã trải qua một giai đoạn phát triển ấn tượng khi vươn từ vị trí thứ 7 lên thứ 2 trên bảng xếp hạng đội đua.

Red Bull đã gây ra không ít khó khăn cho Brawn GP trong mùa giải 2009. Ảnh: Formula 1

Mặc dù không giành được chức vô địch, Sebastian Vettel và Mark Webber đã cùng đóng góp cho đội 6 chiến thắng và 10 lần lên bục podium trong năm đó. Tiếp đó là bốn mùa giải liên tiếp giành được hai danh hiệu vô địch từ 2010 đến 2013.

12. Brawn GP – 2009

  • Mùa giải 2008: Đứng thứ 9 - 14 điểm (giống Honda)
  • Mùa giải 2009: Vô địch - 8 chiến thắng - 172 điểm

Vào mùa giải 2009, đội đua Brawn GP đã tạo ra cú địa chấn trong làng F1 khi đi lên từ ‘đống tro tàn’ của Honda vốn đã bị dừng hoạt động, điều khiến Button và Rubens Barrichello không còn chỗ đứng, và các thành viên trong đội thì lo lắng về rủi ro mất việc làm.

Ross Brawn và Nick Fry đã làm nên kỳ tích trong mùa đông để giữ vững tổ chức dưới cái tên mới. Với những thay đổi quy định toàn diện, chiếc xe BGP 001 với động cơ Mercedes đã đưa đội đua lên tới đỉnh vinh quang.

Button đã đánh bại Barrichello để giành vị trí số một tại chặng mở màn tại Australia một cách ấn tượng, sau đó tiếp tục giành thêm sáu chiến thắng trong số bảy chặng đua đầu tiên. Tiếp đó họ tiếp tục đánh bại các đối thủ cạnh tranh của mình, trong đó có Red Bull dù đội này đang ngày càng cải thiện để giành chức vô địch.

Brawn GP đã viết nên câu chuyện cổ tích với màn trình diễn năm 2009 đầy ấn tượng. Ảnh: Formula 1

Với cả hai danh hiệu trong tay, Brawn GP đã được Mercedes mua lại cho chiến dịch 2010.

13. Mercedes – 2014

  • Mùa giải 2013: Đứng thứ 2 - 3 chiến thắng - 360 điểm
  • Mùa giải 2014: Vô địch - 16 chiến thắng - 701 điểm

Sau khi tiếp quản Brawn GP và dần dần tăng tốc, Mercedes đã giành được những chiến thắng đầu tiên của họ tại F1 ở mùa giải 2012 và 2013, leo lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng chung cuộc sau Red Bull trong mùa giải sau đó.

Nhưng với những thay đổi quy tắc tập trung vào các động cơ turbo-hybrid cho mùa giải 2014, Mercedes đã có những chuẩn bị kỹ càng để có một khởi đầu thuận lợi, và họ đã đánh bại được các đối thủ cạnh tranh - để lại cuộc chiến giành chức vô địch chỉ còn là sân chơi giữa Hamilton và Nico Rosberg.

Mercedes đã đánh bại các đối thủ của họ khi kỷ nguyên turbo-hybrid của F1 bắt đầu. Ảnh: Formula 1

Giành 16 chiến thắng trong tổng số 19 chặng đua, Mercedes kết thúc mùa giải với 701 điểm và hơn gần 300 điểm so với đối thủ gần nhất của họ. Nhưng những “mũi tên bạc” không dừng lại ở đó, một kỷ lục khó tin đã được lập ra kể từ mùa giải đó, họ đã liên tục dành được chức vô địch tay đua cho đến năm 2020 và vô địch dội đua cho đến năm 2021.

14. Ferrari – 2022

  • Mùa giải 2021: Đứng thứ 3 - 323.5 điểm
  • Mùa giải 2022: Đứng thứ 2 - 4 chiến thắng - 554 điểm

Sau cuộc cạnh tranh với đối thủ Mercedes vào năm 2019, Ferrari đã sa sút xuống vị trí thứ sáu trên bảng xếp hạng năm 2020, đánh dấu thành tích tệ nhất của họ kể từ mùa giải năm 1980. Trong khi chiếc xe SF1000 kỷ niệm sự kiện tham dự chặng đua thứ 1,000 của đội thì thất bại trên đường đua toàn tập.

Trong khi năm 2021 đánh dấu một sự cải thiện đáng kể, Ferrari vẫn còn rất xa so với khát vọng tranh đấu cho ngôi vô địch. Thay vào đó, quyết định tập trung vào các thay đổi quy định “hiệu ứng đất” của năm 2022 đã đem lại thành quả đáng kể từ đầu mùa giải.

Ferrari đã là ứng cử viên sớm cho chức vô địch theo những thay đổi quy tắc năm 2022. Ảnh: Formula 1

Một khởi đầu trong mơ dành cho đội tại Bahrain với thành tích dẫn đầu của cả 2 tay đua, Scuderia tiếp tục giành chiến thắng 2 trong trong 3 chặng đầu tiên của mùa giải. Tuy nhiên, sự thiếu ổn định và những sai lầm trong chiến lược cùng với sức mạnh ngày càng tăng từ Red Bull đã phá hủy giấc mơ mang vinh quang của Ferrari trở lại.

15. Aston Martin – 2023

  • Mùa giải 2022: Đứng thứ 7 - 55 điểm
  • Mùa giải 2023: Đứng 2 - 65 điểm (mùa giải vẫn đang tiếp diễn)

Sau một thời gian thi đấu ở F1 vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, tên tuổi của Aston Martin lại được đưa trở lại làng đua bởi Lawrence Stroll vào mùa giải 2021. Tuy nhiên, quá trình ban đầu khá khó khăn khi đội đua liên tiếp giành vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng đội đua.

Nhưng với kế hoạch tham vọng của Stroll, nhiều khoản đầu tư, phòng kỹ thuật được tái cấu trúc do cựu nhân viên của Red Bull là Dan Fallows lãnh đạo, và tay đua hai lần vô địch, Fernando Alonso, gia nhập từ Alpine, tất cả đã thay đổi vào năm 2023 khi Aston Martin bỗng trở thành ứng cử viên cho vị trí trên bục podium.

Aston Martin đã tham gia vào cuộc tranh đấu của những đội hàng đầu. Ảnh: Formula 1

Alonso đã liên tiếp đặt chân lên bục Podium từ đầu mùa giải cho đến nay, cạnh tranh trực tiếp với các tay đua của Red Bull và Mercedes. Cùng với những điểm số của đồng đội Lance Stroll, “tài năng trẻ” Alonso đã đưa Aston Martin lên một vị trí trong mơ – vị trí thứ hai trong mùa giải hiện tại.

Bình luận
Xem tất cả bình luận...
Đang tải bình luận...
Không thể tải bình luận.
quảng cáo
Mới nhất về Bên lề

10 điều kì lạ có một không hai trong F1

Trong suốt chiều dài lịch sử 74 năm của F1 và trải qua hơn 1100 chặng đua, thật khó có thể tưởng tượng được là có những kỷ lục lại chỉ xảy ra đúng 1 lần.

31 Tháng 03, 2024
GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
77
2
sergio pérez
64
3
charles leclerc
59
4
carlos sainz
55
5
lando norris
37
6
oscar piastri
32
7
george russell
24
8
fernando alonso
24
9
lewis hamilton
10
10
lance stroll
9
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.