ĐĂNG NHẬP
10 điều kì lạ có một không hai trong F1

10 điều kì lạ có một không hai trong F1

Trong suốt chiều dài lịch sử 74 năm của F1 và trải qua hơn 1100 chặng đua, thật khó có thể tưởng tượng được là có những kỷ lục lại chỉ xảy ra đúng 1 lần.

31 Tháng 03, 2024

Việc Ollie Bearman được cầm lái một chiếc xe F1 thực thụ của Ferrari khi chỉ mới 18 tuổi cũng có thể được xếp vào danh sách này, cũng như là việc Sebastian Vettel nhận penalty chỉ 6 giây ngay lần đầu tiên đi đua F1. Vậy nên rõ ràng là bất kì điều gì cũng có thể xảy ra trong môn thể thao hàng đầu thế giới này.

1. Một chàng trai 17 tuổi tham gia đua F1

Chàng trai 17 tuổi ấy không ai khác, chính là Max Verstappen. Ảnh: The Race

Vào ngày này 9 năm về trước, Max Verstappen tham gia chặng đua F1 đầu tiên của mình với đội đua Toro Rosso tại trường đua Albert Park.

17 tuổi và 166 ngày, anh đã trở thành tay đua trẻ tuổi nhất từng tham gia chính thức một chặng đua.

Tuy bị loại khỏi phiên đua mở màn đầu tiên ấy sau một sự cố mà không phải do mình gây ra, chỉ 2 tuần sau thôi, anh đã trở thành tay đua trẻ tuổi nhất từng ghi điểm trong F1, với thành tích ở vị trí thứ 7 tại Malaysia sau một nỗ lực thi đấu đáng ghi nhận.

Và có lẽ đây sẽ là một kỷ lục không bao giờ có thể bị phá vỡ, nhất là sau khi FIA quy định độ tuổi trẻ nhất mà một tay đua có thể sở hữu Superlicense là 18 (một phản ứng có lẽ là hơi quá đề phòng, nhất là sau khi ta được chứng kiến những thành công trong sự nghiệp của Verstappen kể cả cho đến ngày hôm nay).

Nhưng điều đó không có nghĩa là anh không còn đối thủ. Lance Stroll vào năm 2017 khi còn đua cho Williams và Ollie Bearman tại Ferrari là 2 tay đua trẻ nhất kể từ sau khi Verstappen tham gia, cả hai đều bắt đầu sự nghiệp ở tuổi 18.

2. 50 chặng đua mà không có điểm nào

Luca Badoer đang cầm lái một chiếc Forti. Ảnh: The Race

Đã có hơn 800 tay đua đã từng tham gia một chặng đua F1, nhưng chỉ chưa đầy một nửa trong số đó là đã từng giành được điểm.

Hầu hết trong số họ là những tay đua chỉ với số lượng chặng đếm trên đầu ngón tay, nhưng với Luca Badoer thì chắc phải cần 10 người mới đếm hết.

Anh hay được người ta nhắc tới khi là tay đua được điều động để thay thế cho Felipe Massa (sau khi tay đua người Brazil bị chấn thương sau chặng Hungary 2009), nhưng sự nghiệp F1 của anh đã bắt đầu từ tận những năm 90 của thế kỉ trước.

Badoer đã đánh bại được Andrea Montermini và Rubens Barichello để mà giành chức vô địch giải đua Formula 3000 (một giải đua tương tự như GP2 hay Formula 2 sau này) để mà giành được một ghế đua trong F1.

Tóm tắt sự nghiệp của Luca Badoer. Ảnh: The Race

Badoer là một tay đua không tồi, nhưng việc anh hay cầm lái những chiếc xe như là Scuderia Italia, Minardi hay là Forti Corse ở những vị trí cuối đồng nghĩa với việc anh ít có cơ hội để mà giành được điểm.

Lần duy nhất mà anh suýt có được diễm phúc ấy chính là trong chặng đua GP Châu Âu năm 1999. Đáng lẽ anh đã có thể giành được vị trí thứ 4 hay thậm chí là một podium nếu như chiếc Minardi của anh không bị hỏng hộp số.

Sau này thì anh đã có công rất lớn cho Ferrari với tư cách là một tay đua chạy thử nghiệm xe cho đội đua Ý, giúp họ có thể chế tạo ra chính những chiếc xe mà đã đưa Michael Schumacher đến giành 5 chức vô địch liên tiếp.

Luca Badoer cầm lái chiếc Ferrari F2004 huyền thoại. Ảnh: The Race

Khi được Ferrari gọi đến để hoàn thiện nốt mùa giải 2009 trong xe của Massa, người ta đã nghĩ là anh cuối cùng cũng đã có thể giành điểm sau 48 chặng đua. Tuy nhiên, điều duy nhất mà anh giành được lại là thêm 2 chặng đua nữa cho kỷ lục không mong muốn của mình.

Một kỷ lục như vậy có lẽ cũng sẽ không bao giờ bị phá vỡ với sự vắng bóng của một đội đua nhỏ và vô vọng như là Minardi – một trong những đội đua mà cơ hội giành điểm duy nhất của họ là khi một chặng đua hỗn loạn xảy ra.

Badoer thật lòng mà nói không phải là một tay đua tồi, và chắc chắn là có khả năng đua tốt hơn hẳn so với những gì mà “kỷ lục” này cho thấy. Anh thực sự chỉ không có điều kiện để mà làm được như vậy trong sự nghiệp của mình, hay chỉ thực sự là vô cùng thiếu may mắn.

Năm 2009 cũng như vậy. Khi bất ngờ được cầm lái chiếc F60 (một chiếc xe cũng không quá nhanh là bao) sau gần 10 năm không tham gia đua F1, anh đã phải nhường lại xe cho đồng nghiệp là Giancarlo Fisichella chỉ sau vỏn vẹn 2 chặng đua sau khi bị lép vế bởi Kimi Raikkonen, tay đua đã giành chiến thắng tại chặng GP Bỉ cùng năm với chính chiếc xe đó.

3. Một chặng đua mà chả ai được đua cả?

Đây có lẽ là lần đầu nhưng chắc chắn không phải là lần cuối mà các fan F1 nghi ngờ quyết định của Michael Masi. Ảnh: The Race

Đã có nhiều lần mà thời tiết xấu đã làm ảnh hưởng đến một chặng đua F1, nhưng chỉ có đúng 1 lần duy nhất là không có tay đua nào có cơ hội được đua cả.

Và lần đó chính là chặng GP Bỉ tại Spa năm 2021. Với dự định ban đầu là 3 giờ chiều theo giờ địa phương, chặng đua cuối cùng lại bị trì hoãn không ít lần vì trời mưa tầm tã.

Cú va chạm của Lando Norris tại quần thể khúc của Eau Rouge-Radillon trong vòng tập luyện trước đó có lẽ cũng làm dấy lên không ít lo ngại về sự an toàn của các tay đua, cũng như khiến các trọng tài phải dè chừng hơn.

Không lâu sau khi 2 vòng khởi động được tiến hành lúc 3h25’ chiều, tín hiệu cờ đỏ (red flag) đã được đưa ra trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt.

Phải mất đến hàng tiếng đồng hồ sau thì các tay đua mới có cơ hội được trở lại trường đua. Tuy nhiên, trái với hy vọng của nhiều fan hâm mộ có mặt tại trường đua lúc bấy giờ, họ chỉ có thể thực hiện 3 vòng đua chạy sau xe an toàn (safety car). Tín hiệu cờ đỏ lại một lần nữa được phất lên, đánh dấu sự kết thúc của một chặng đua thậm chí còn chưa bao giờ được xuất phát.

3 “vòng đua” ngắn ngủi ấy đã cho phép FIA có thể chiếu theo luật mà kết thúc chặng đua ngay tại đó. Các tay đua thế là nhận được một nửa số điểm so với bình thường, với Verstappen thu về được 12,5 điểm và George Russell giành được podium đầu tiên trong sự nghiệp F1 của mình với Williams sau màn phân hạng thần sầu trong mưa.

Nhưng có lẽ cũng dễ hiểu khi mà nhiều fan hâm mộ đã tỏ ra vô cùng bất bình với quyết định trên của ban tổ chức, dẫn tới những thay đổi sau này trong luật đua liên quan đến những chặng bị gián đoạn bởi thời tiết xấu như trên.

4. Bị loại ngay từ vòng gửi xe?

Pre-qualifying là một phiên đua mà có lẽ ít ai biết đến. Ảnh: The Race

Vòng gửi xe thì nghe có thể hơi quá, nhưng đây lại là một trong những yếu tố đặc trưng của F1 thời những thập niên 80 và 90.

Khi đó, do số lượng xe quá đông mà vị trí đua thì quá ít, người ta đã tổ chức vòng tiền phân hạng (pre-qualifying) vào ngày sáng thứ Sáu mỗi tuần đua. Vì thế mà nhiều tay đua đã phải ngậm ngùi ra về trước khi họ có cơ hội để mà tham gia buổi tập luyện đầu tiên trong tuần, nhất là những tay đua mà phải chấp nhận lái những chiếc xe yếu hơn.

Đây cũng là nguồn gốc của con số 107% mà chắc hẳn là độc giả quan tâm đến F1 cũng đã từng nghe qua (nếu như mà một tay đua mà không qua được mức dưới 107% thời gian đạt pole thì tay đua ấy sẽ bị loại ngay tại chỗ)

Tay đua mà đã bị loại nhiều lần nhất ở vòng pre-quali phải kể đến là Gabriele Tarquini với 25 lượt đua không được tham gia. Tuy nhiên, ít ra thì tay đua ấy cũng đã có thể hài lòng với chức vô địch World Touring Car của mình sau này.

Những tay đua từng bị loại trong lượt tiền phân hạng của F1. Ảnh: The Race

Đó là con số được cộng dồn sau một sự nghiệp trải dài nhiều năm, nhưng liệu có một tay đua nào mà lại không thể tham gia bất kì chặng đua nào trong một mùa giải hay không?

Suzuki cầm lái chiếc Zakspeed của năm 1989. Ảnh: The Race

Câu trả lời là có. Tay đua Aguri Suzuki lái cho đội Zakspeed vào năm 1989 đã bị loại ở tất cả các lượt tiền phân hạng trong mùa giải ấy. Đồng đội Bernd Schneider của anh (tay đua mà sau này đã giành được chức vô địch giải DTM) cũng đã khó khăn lắm mới có thể tham gia được đúng 2 trên 16 buổi phân hạng chính thức của mùa giải ấy (để rồi cuối cùng bị hỏng xe trong cả hai chặng đua)

Dẫu vậy, những nỗ lực của Suzuki để mà có thể trụ lại được trong F1 không phải là không được đền đáp, với tay đua đến từ xứ mặt trời mọc đã tận dụng sơ hở của đối thủ mà giành được podium đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Ayrton Senna và Alain Prost đã để xảy ra va chạm ngay tại khúc cua đầu tiên trong chặng GP Nhật Bản năm 1990, tạo cơ hội cho Suzuki có thể ăn mừng thành tích được podium ngay trên trường đua quê nhà.

5. Đứng thứ 24 trong một chặng đua F1

Chiếc xe nghèo nàn cả về công nghệ lẫn tài trợ của HRT (các fan biết tiếng Anh sẽ thấy những dòng chữ ghi trên xe hài đến cỡ nào). Ảnh: The Race

Narain Karthikeyan là một tay đua có lẽ không được nhiều người biết đến, kể cả khi anh đã từng bị một Sebastian Vettel trẻ gọi là “quả dưa chuột” sau va chạm của mình tại chặng đua Malaysia 2012.

Tay đua người Ấn đã từng đua cho Jordan, HRT và đã giành được điểm trong đúng một lần duy nhất, với thành tích về vị trí thứ 4 tại chặng GP Hoa Kì năm 2005 (một chặng đua “nổi vì tai tiếng”)

Nhưng anh cũng là người sở hữu thành tích mà không mấy ai muốn có, và đó chính là người duy nhất xếp ở vị trí thứ 24 trong một chặng đua.

Kết quả chặng GP Châu Âu năm 2011. Ảnh: The Race

Chặng GP Châu Âu năm 2011 tại Valencia không chứng kiến bất kì tay đua nào bị loại cả, và với tốc độ bàn thờ của đội HRT thì cũng khó có thể trách được một tay đua khi mà anh phải xếp ở vị trí cuối bảng như thế.

Karthikeyan đã phải về đích theo sau đồng đội Vitantonio Luizzi và bị bắt vòng tới 3 lần.

Và nếu như F1 quyết định giữ nguyên đội hình 10 đội/20 xe “đẹp mắt” của mình mà không cho đội mới như là Andretti vào thì có lẽ thành tích này sẽ không bao giờ được tái diễn.

6. Dẫn đầu ở chặng đua duy nhất mà mình tham gia

Markus Winkelhock đã trở thành một phần của lịch sử F1 khi anh dẫn đầu đoàn đua trong chặng GP Châu Âu năm 2007. Ảnh: The Race

Anh đã được đội đua bấy giờ là Spyker điều đến để thay thế cho tay đua Christijan Albers vừa rời đi trong đúng 1 chặng đua debut đầu tiên và cũng là duy nhất ấy tại trường đua Nürburgring GP.

Nhờ vào chiến thuật của Mike Gascoyne mà Winkelhock mới vòng khởi động mà đã được vào pit ngay khi những hạt mưa đầu tiên rơi xuống. Điều này cho phép anh có cơ hội được dẫn đầu 6 vòng đua đầu tiên trước khi chặng đua bị gián đoạn bởi red flag.

Thật không may cho anh là ở lần xuất phát tiếp theo sau cơn mưa, anh đã phải bỏ cuộc sau khi chiếc xe của mình gặp sự cố về hệ thống thủy lực ở vòng 13. Sự nghiệp F1 của anh tuy ngắn ngủi, nhưng anh sẽ luôn được nhớ tới là tay đua dẫn đầu trong chặng đua đầu tiên và cũng là cuối cùng của mình.

7. 3 pole nhưng lại không dẫn đầu vòng đua nào

Teo Fabi đã giành được 3 pole positions trong F1, nhưng lại chưa bao giờ dẫn đầu bất kì vòng đua nào cả. Ảnh: The Race

Lần đầu tiên anh đạt được thành tích này là với đội Toleman ở chặng GP Đức 1985 tại trường đua Nürburgring, nhưng do để trượt lốp ngay khi xuất phát mà anh tụt xuống vị trí thứ 8 ngay từ đầu chặng đua. Cuối cùng thì anh đã phải bỏ cuộc sau khi bị hỏng hộp số.

Lần thứ hai anh giành được pole là 1 năm sau ở Áo, nhưng anh đã để cho đồng đội Gerhard Berger vượt lên dẫn đầu. Đến lúc anh cố gắng lắm mới đến gần được Berger thì lúc này xe của anh lại bị hỏng động cơ.

Lần thứ ba và cũng là cuối cùng diễn ra tại trường đua Monza, Ý, nhưng anh cuối cùng lại không được tận hưởng thành quả pole trong phân hạng của mình khi mà anh gặp vấn đề ngay trong vòng khởi động và phải đứng ở vị trí cuối. Nhưng cuối cùng thì anh, lại một lần nữa, phải bỏ cuộc vì lỗi do xe.

8. Một chặng đua với 6 xe thi đấu

Fun fact: một số nhà đài quốc tế bất mãn đến mức ngừng chiếu chặng đua chỉ sau vài vòng đầu tiên. Ảnh: The Race

Như các độc giả đã biết, đây là lần duy nhất mà Karthikeyan ghi điểm, và cũng là podium duy nhất của Tiago Monteiro trong F1. Chặng đua GP Hoa Kì năm 2005 chứng kiến chỉ đúng 6 xe F1 thi đấu.

Có lẽ Monteiro là người duy nhất với cảm giác phơi phới hôm đó với một chiếc cúp và một chai champagne cỡ bự, bởi tất cả mọi người từ các fan cho đến các đội đua, các tay đua đều rất là bất mãn với tình thế xoay quanh sự cố của những bộ lốp Michelin tại khúc của thứ 13.

Đến cả bộ đôi Schumacher và Barrichello của Ferrari cũng lặng lẽ ra về cho dù đây là chiến thắng 1-2 duy nhất của họ năm ấy.

Cú va chạm do thủng lốp của Ralf Schumacher ở đội Toyota trong buổi tập luyện hôm thứ 6 đã khiến cho các chuyên gia của Michelin phải ngỡ ngàng khi biết được rằng, họ đã không lường trước việc mặt đường đã được xử lí lại của trường đua Indianapolis, nhất là tại các khúc cua nghiêng theo kiểu oval (loại chuyên dùng cho NASCAR và Indycar).

Mặt đường được xử lí để tăng độ bám vô tình đã để lộ kẽ hở trong quy trình thử nghiệm của Michelin: lốp của họ không đủ bền để mà có thể chịu được một lực lớn như thế.

Hãng lốp còn lại của F1 khi đó là Bridgestone đã biết trước được điều này khi công ty con của họ là Firestone đã có thể thử nghiệm lốp trước thềm chặng Indy 500, nhưng hãng còn lại thì lại không hề hay biết cho đến khi quá muộn.

Với nguy cơ nổ lốp chỉ sau 10 hay thậm chí là 5 vòng đua, vô vàn những ý tưởng từ việc nhập thêm lốp mới, đua thẳng qua pit hay là lắp thêm chicane đều không nhận được sự đồng thuận của cả 10 đội đua.

Kết quả là 14 trên 20 xe lúc bấy giờ chạy lốp Michelin đều phải rút vào pit ngay sau vòng khởi động, mặc cho một số tay đua có nài nỉ kỹ sư của mình để làm liều mà đi đua đi chăng nữa.

Cuối cùng chỉ còn lại 6 chiếc xe chạy lốp Bridgestone là có thể tham gia thi đấu, khiến cho các fan hâm mộ có mặt ở đó vô cùng bối rối. Một số cổ động viên quá khích còn ném cả chai lọ lên trường đua, và hình ảnh của F1 trong mắt người Mỹ đã phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi.

9. Một chặng đua nhân đôi điểm

Năm 2014 là khởi nguồn cho sự đối đầu giữa Rosberg và Hamilton. Ảnh: The Race

Nếu như mà một chặng đua không đạt được 75% quãng đường chạy cần thiết thì nửa điểm sẽ được đưa ra, nhưng liệu đã có ai nghe tới việc nhân đôi điểm hay chưa?

Đây là một trong những ý tưởng “táo bạo” của Bernie Ecclestone để tăng sự kịch tính cho vòng đua cuối cùng trong mùa giải 2014 tại Abu Dhabi, sau khi những ý tưởng như là phun mưa nhân tạo cho ướt đường đua hay là tính điểm theo huân chương bị từ chối.

Vào năm ấy thì Nico Rosberg và Lewis Hamilton chỉ cách nhau đúng 17 điểm để mà có thể giành được chức vô địch. Nếu như thường lệ thì cả hai đều có cơ hội thắng như nhau, nhưng việc nhân đôi điểm có nghĩa là Hamilton vẫn có thể để thua Rosberg kể cả khi anh xếp ở vị trí thứ 3, nếu như đồng đội anh giành chiến thắng chặng đó.

Top 10 tay đua trong bảng xếp hạng năm 2014. Ảnh: The Race

Nhưng cuối cùng thì nhân đôi điểm hay không cũng không quan trọng bởi Rosberg đã không may gặp phải vấn đề về hệ thống ERS mà tụt xuống tận thứ 14.

Rốt cuộc thì khi tính đi tính lại thì nhân đôi điểm hay không, kết quả của không chỉ tay đua vô địch mà là của top 10 năm ấy vẫn không thay đổi về mặt thứ hạng. F1 đã gặp may khi luật đua bị phản đối kịch liệt này không để lại hậu quả gì to tát, và họ đã quyết định loại bỏ điều luật này ngay tức khắc.

10. Tự mình đua một chặng đua bị cấm

Hiếm có tay đua nào bị cấm tham gia thi đấu, nhưng có lẽ trường hợp của Jacques Villeneuve là có một không hai. Ảnh: The Race

Tay đua của đội Williams bấy giờ vẫn tham gia thi đấu chặng GP Nhật Bản năm 1997 cho dù có bị cấm đi chăng nữa.

Anh là một trong số 5 tay đua bị nhắc nhở vì không tuân thủ tín hiệu cờ vàng trong vòng tập luyện trước đó, nhưng anh lại là người duy nhất bị cấm đua do đây là lần thứ 3 mà anh vi phạm một lỗi tương tự.

Anh vẫn được đội cho tham gia đua với hy vọng là phía trọng tài sẽ thay đổi quyết định, nhưng Williams đã phải rút đơn khiếu nại sau khi Max Mosley (ông chủ FIA bấy giờ) dọa là anh có thể sẽ không được tham gia chặng đua cuối cùng tại Jerez.

Cuối cùng thì anh vẫn bị loại ở chặng đua tại Nhật năm đó, nhưng ít ra thì anh vẫn có cơ hội được tham gia chặng đua cuối cùng ở Jerez để mà giành được chức vô địch năm ấy.

Villeneuve cuối cùng cũng đã đánh bại được đối thủ mà không ai khác, chính là Michael Schumacher ở đội Ferrari trong một chặng đua đầy biến cố.

11. Bonus: Bộ ba DNQ, DNF và DSQ trong cùng 1 chặng, 1 tay đua

Tay đua Hans Heyer của đội ATS F1 mới nổi thời đó. Ảnh: Essentially Sports

Tại chặng đua GP Đức năm 1977, tay đua Hans Heyer đã vừa bị loại ở vòng tiền phân hạng (DNQ – Did not qualify), phải bỏ cuộc giữa chừng vì hộp số hỏng (DNF – Did not finish) và cuối cùng là bị loại (DSQ – Disqualified) sau khi người ta nhận ra anh tự ý đi đua mà chưa ai cho phép.

Lúc chặng đua chưa kịp bắt đầu thì hệ thống đèn lại gặp lỗi, khiến cho ban tổ chức bị phân tâm, tạo cơ hội cho Heyer có thể đẩy xe của mình vào grid mà không ai ý kiến gì. Chiếc ATS F1 màu vàng chói của anh chạy được đến vòng thứ 9 thì bị hỏng hộp số, và đến lúc này thì ban tổ chức mới nhận ra ai đã “trà trộn” vào trường đua của họ.

Cho dù có là giải đua hàng đầu thế giới đi chăng nữa, trong thế giới của F1 vẫn có thể có những tình huống có 1 không 2 và dở khóc dở cười như thế.

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Bên lề

10 điều kì lạ có một không hai trong F1

Trong suốt chiều dài lịch sử 74 năm của F1 và trải qua hơn 1100 chặng đua, thật khó có thể tưởng tượng được là có những kỷ lục lại chỉ xảy ra đúng 1 lần.

GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
102
2
sergio pérez
79
3
charles leclerc
71
4
carlos sainz
65
5
lando norris
55
6
oscar piastri
36
7
george russell
32
8
fernando alonso
31
9
lewis hamilton
12
10
lance stroll
9
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.